1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thực hư ăn nhiều thịt khiến bạn đổ "mồ hôi thịt"

Hà An

(Dân trí) - Tôi nghe nói rằng ăn quá nhiều thịt trong một lần có thể khiến bạn đổ mồ hôi quá mức, được gọi là hiện tượng đổ "mồ hôi thịt". Điều này có phải là sự thật?

Quan điểm cho rằng ăn nhiều thịt có thể khiến con người đổ mồ hôi đầm đìa đã có từ nhiều thập kỷ nay. Vậy việc ăn quá nhiều thịt có thực sự khiến bạn đổ mồ hôi như vừa chạy bộ?

Giáo sư - Tiến sĩ Donald Layman, Đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ), cho biết, nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ protein làm tăng nhiệt độ cơ thể nhiều hơn so với ăn carbohydrate hoặc chất béo. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy mức tăng này đủ lớn để kích thích đổ mồ hôi. 

Thực hư ăn nhiều thịt khiến bạn đổ mồ hôi thịt - 1

Protein có thể làm ấm cơ thể nhưng ít bằng chứng cho thấy nó có thể khiến bạn đổ mồ hôi đầm đìa sau khi ăn (Ảnh minh họa: N.P).

Theo New York Times, một số bằng chứng cho thấy bữa ăn giàu protein làm tăng nhiệt cơ thể, mặc dù hầu hết các nghiên cứu về vấn đề này đều nhỏ và từ nhiều thập kỷ trước. 

Ví dụ, trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt được công bố năm 2002, các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Arizona (Mỹ) đã yêu cầu 10 phụ nữ trẻ ăn các bữa ăn giàu protein hoặc nhiều carbohydrate trong một ngày và thực hiện nhiều phép đo khác nhau, bao gồm cả đo nhiệt độ cơ thể. 

Sau đó, bốn hoặc tám tuần sau, những người phụ nữ quay lại phòng thí nghiệm và lựa chọn bữa ăn khác. 

Kết quả cho thấy, nhiệt độ cơ thể của phụ nữ cao hơn sau khi ăn các bữa ăn giàu protein so với sau khi ăn các bữa ăn giàu carbohydrate. Các nghiên cứu nhỏ khác cho thấy điều tương tự cũng xảy ra ở nam giới.

Marie-Pierre St-Onge, Phó giáo sư y học dinh dưỡng tại Đại học Columbia (Mỹ), cho biết, protein làm tăng nhiệt độ cơ thể vì cơ thể bạn phải làm nhiều việc hơn - nghĩa là sử dụng nhiều năng lượng hơn - để tiêu hóa nó và quá trình này cũng giải phóng nhiệt. 

Điều đó một phần là do protein khó phân hủy hơn carb hoặc chất béo. Stuart Phillips, nhà nghiên cứu về vận động học tại Đại học McMaster ở Hamilton, Ontario (Mỹ), cho biết, quá trình tiêu hóa protein gây tốn kém về mặt năng lượng.

Tiến sĩ Layman lý giải, vì phần lớn năng lượng từ các bữa ăn giàu protein sẽ được cơ thể sử dụng nhanh chóng nên một người sẽ đốt cháy lượng calo sau khi ăn protein nhiều gấp ba đến bốn lần so với việc ăn carbohydrate hoặc chất béo. 

Trong một nghiên cứu nhỏ được công bố vào năm 1999, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi 8 phụ nữ theo chế độ ăn nhiều protein trong một ngày, họ đốt cháy trung bình nhiều hơn 87 calo so với khi họ theo chế độ ăn nhiều chất béo.

Như vậy, mặc dù protein làm ấm cơ thể nhưng các chuyên gia không tin rằng ăn nhiều thịt sẽ khiến một người đổ mồ hôi nhiều. Có thể một ai đó sẽ đổ mồ hôi nhiều sau khi ăn thịt nhưng không có nghĩa tất cả mọi người đều như vậy. 

Thịt có thể không gây đổ mồ hôi vì mặc dù protein làm tăng nhiệt độ cơ thể nhiều hơn các chất dinh dưỡng đa lượng khác nhưng mức tăng nhiệt tương đối nhỏ. Nhiệt độ cơ thể của phụ nữ trong nghiên cứu năm 2002 chỉ cao hơn trung bình 0,2 đến 0,3 độ sau khi thực hiện chế độ ăn nhiều protein.

Theo nhu cầu khuyến nghị dành cho người Việt Nam, số lượng protein/ngày ở người trưởng thành (19-30 tuổi) lao động vừa ở nam giới là 74-68g, nữ giới 63-60g, lượng thịt đỏ là 71g/ngày, đồng thời cần cân đối giữa protein động vật và protein thực vật.

Tuổi càng cao thì nên ăn lượng protein từ động vật càng ít, cần bổ sung lượng protein hợp lý theo tỷ lệ là 1/3 đạm động vật và 2/3 đạm thực vật.

Với trẻ nhỏ, nguồn đạm động vật cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, vì vậy lượng protein nên theo tỷ lệ là 2/3 đạm động vật và 1/3 đạm thực vật trong mỗi bữa ăn hàng ngày.