“Thực dưỡng” không trị được ung thư!

(Dân Việt) Thời gian gần đây, trên mạng xã hội có nhiều thông tin về “thực dưỡng Ohsawa” được tuyên truyền như “thần dược” chữa được bách bệnh, trong đó có cả ung thư. Nhiều người bệnh nặng như ung thư, suy thận... đã tin tưởng, ăn kiểu “thực dưỡng” khiến cơ thể suy kiệt, bệnh càng nặng hơn.

“Mỗi miếng cơm nhai 100 lần chữa bách bệnh”

Theo tuyên truyền trên mạng, phương pháp “thực dưỡng Ohsawa” có khả năng chữa bất kể bệnh gì, thậm chí là các bệnh hiểm nghèo, giai đoạn cuối như suy thận, ung thư... Theo nhiều trang mạng tuyên truyền, đáng chú ý nhất là cách ăn số 7, yêu cầu người bệnh chỉ ăn cơm gạo lứt với muối vừng, nhai kỹ mỗi miếng cơm 100 lần.

“Thực dưỡng” không trị được ung thư! - 1

Nếu phát hiện bệnh sớm, tỷ lệ điều trị khỏi của bệnh nhân ung thư lên tới 75-85%. Điều trị ung thư tại BV K T.Ư.  Ảnh: D.L

"Hiện nhiều người bệnh bị ung thư có quan điểm hết sức sai lầm là ăn kiêng, ăn chay để hy vọng khối u sẽ bị “chết đói” hoặc ăn uống, chữa bệnh theo lời đồn thổi. Tuy nhiên, điều này khiến bệnh nhân bị kiệt sức, bệnh nặng hơn.

GS-TS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K T.Ư

Các trang này viết: “Cách ăn số 7 còn gọi là Tiết thực, có nghĩa là không ăn một thứ gì thêm, ngoài sự cần thiết cho sự sống là cốc loại, vì trong thời gian ăn theo phương thức số 7, ta sẽ hết tất cả các bệnh tật và có nhiều kỳ diệu. Nhưng cũng trong thời gian này, cả một sự thử thách lớn lao đối với người bệnh, nếu không có đức tin và ý chí thì không thể nào gặt hái được kết quả tốt đẹp...

“Khi bị bệnh, bất kể bệnh gì, muốn mau lành, điều trước tiên là nên nhịn đói một, hai ngày hay nhiều hơn tùy ý, nhưng vẫn làm như bình thường (tùy theo sức), để cho cơ thể bài tiết hết chất độc, rồi bắt đầu ăn. Ăn ít và nhai cho kỹ, nhai cho đến khi nào cảm thấy nhuyễn như hồ hãy nuốt, tối thiểu phải 100 lần nhai trở lên cho mỗi miếng cơm. Ohsawa thường nhai 200 lần mỗi miếng cơm”.

Đáng nói, một số người tuyên truyền cho “thực dưỡng” đã độc ác nguyền rủa những người bệnh bị ung thư khi họ đang chạy chữa bằng phương pháp y học hiện đại, thậm chí gọi tên cả ca sĩ đã mất Trần Lập (người đã mất vì ung thư) để chế diễu.

GS-TS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân theo phương pháp “thực dưỡng Ohsawa”. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da bọc xương và việc thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng khiến họ bị rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng, bệnh nặng hơn, sức khỏe suy sụp.

Theo GS Hương, người khỏe ăn chay trong thời gian dài còn bị thiếu chất huống hồ người ốm yếu chỉ ăn có cơm gạo lứt với muối vừng, đến rau xanh, hoa quả cũng kiêng thì sức nào chịu được. “Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng "thực dưỡng" chữa được bệnh ung thư" - GS Bình nói.

Còn PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư cũng cho biết, Bệnh viện K cũng có không ít bệnh nhân sau khi phát hiện bị ung thư đã không điều trị mà về nhà ăn theo chế độ “thực dưỡng Ohsawa” hoặc các loại lá, thuốc theo lời mách bảo, truyền miệng. Sau một thời gian, cơ thể kiệt quệ, bệnh nặng hơn, đến lúc vào viện để điều trị thì bệnh ung thư đã ở giai đoạn muộn, rất khó điều trị hoặc điều trị tốn kém.

Gạo lứt không chữa được bệnh

Trước thông tin nhiều người bệnh ăn gạo lứt chữa ung thư, bà Cao Thị Thu Hương –khoa Dinh dưỡng và bệnh không lây nhiễm (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khẳng định, gạo lứt chỉ có tác dụng hỗ trợ dinh dưỡng.

Theo bà Hương, gạo lứt có chế độ dinh dưỡng nhất định đối với sức khỏe con người. Quá trình chuyển hóa thành đường của gạo lứt ít hơn, chậm hơn các gạo và tinh bột khác. Cho nên ăn gạo lứt giúp người dân đảm bảo đủ năng lượng mà lại hạn chế tinh bột chuyển hóa thành đường. Ngoài ra, vỏ của gạo lứt có nhiều chất xơ, vi chất dinh dưỡng như canxi, sắt, kẽm nên có lợi cho sức khỏe của con người.

Tuy nhiên, gạo lứt có vỏ dày, cứng nên nếu người mắc bệnh dạ dày cần thức ăn mềm thì cũng bất lợi. Người bị bệnh ung thư dạ dày mà ăn đồ ăn cứng càng bất lợi. “Chỉ ăn gạo lứt không thể nào chữa được bệnh ung thư. Do đó, người bệnh ung thư nên thận trọng với chế độ dinh dưỡng của mình, không nên chỉ nghe mách nước mà tự chữa bệnh. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ dinh dưỡng phù hợp” – bà Hương nói.

PGS Thuấn cũng cho biết: “Tất cả những lời đồn thổi truyền hóa chất làm bệnh nhân yếu nhanh chết hoặc bị ung thư không ăn thịt, đường sữa để “cắt” nguồn dinh dưỡng của tế bào ung thư; ăn chay trường, không phẫu thuật, không uống thuốc, hóa trị... đều rất sai lầm. Người dân không nên tin vào những lời đồn, không đi chữa bệnh, làm mất cơ hội điều trị”.

Về chế độ dinh dưỡng cho người ung thư, PGS Thuấn khuyên người bệnh nên ăn uống đủ dưỡng chất, cân bằng dinh dưỡng đảm bảo chất đạm, đường, tinh bột, chất béo, nước, vitamin và chất khoáng.

Theo Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm