1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thủ tướng: Tháo gỡ và xử lý ngay các vấn đề cấp bách của ngành y

Nam Phương

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết ngành y đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng đây cũng là thời cơ lớn để đổi mới, tạo ra đột phá.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị hội nghị trực tuyến nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân sáng 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua, đội ngũ cán bộ y bác sĩ nhân viên y tế trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều cung bậc cảm xúc, tâm tư, tâm trạng rất khác nhau. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn thấu hiểu, chia sẻ và tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm vượt khó và có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của ngành y.

Ngành y tế còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh ghi nhận, biểu dương những thành tích, thành tựu của ngành y, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của ngành. 

Cụ thể, hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực y tế còn bất cập, nhiều quy định chưa rõ ràng, rườm rà về thủ tục hành chính, chưa bao quát được hết các khía cạnh (như trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế…).

Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối, tuyến Trung ương vẫn là vấn đề nhức nhối. Người dân vẫn chưa thật sự hài lòng với chất lượng và sự phục vụ của ngành y, nhất là y tế công lập.

Công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tính chủ động chưa cao, còn phụ thuộc vào nước ngoài. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng: Tháo gỡ và xử lý ngay các vấn đề cấp bách của ngành y - 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP).

Tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. 

Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế.

Tài chính y tế còn nhiều bất cập (liên quan đến thực hiện tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ, tính đúng tính đủ, mệnh giá và thanh toán bảo hiểm y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư...).

Giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực y tế còn chậm. 

Thủ tướng yêu cầu tiếp cận phát triển ngành y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân; không phân biệt công lập hay ngoài công lập; triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên, ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ trung hạn và dài hạn.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị trước mắt Bộ Y tế tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch Covid-19; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Đồng thời, nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vaccine, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.

Cần quan tâm, động viên nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế

Thủ tướng đề nghị khẩn trương rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động này. Trước mắt, tập trung sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XII.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành quan tâm, động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế, với quan điểm quan điểm "Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt". Đồng thời, quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.

"Bộ Y tế rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu. Nếu vướng mắc cơ chế, Chính phủ sẽ họp liên ngành để tháo gỡ và xử lý để dứt khoát việc này không ảnh hưởng đến việc khám và điều trị sức khỏe của nhân dân", Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần thực hiện đổi mới mạnh mẽ tài chính, bảo hiểm y tế, khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức.

Đồng thời, sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ BHYT gắn với giảm chi tiền túi của người dân. 

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành y tế…

Thủ tướng: Tháo gỡ và xử lý ngay các vấn đề cấp bách của ngành y - 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (Ảnh: VGP).

"Ngành y tế có một núi việc, có việc cấp bách giải quyết ngay, có việc cơ bản lâu dài. Buổi hôm nay đánh giá chung khái quát, có nhiều vấn đề mà một cuộc họp chưa giải quyết hết được. Vì chúng ta vẫn là một nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp. Mệnh giá BHYT tính trung bình là 1 triệu/người/năm, không bằng 1/20, 1/30 của các nước phát triển", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết. 

Theo Phó Thủ tướng về lâu dài phải tính đúng tính đủ giá viện phí. Bên cạnh đó cần quan tâm đến vấn đề thiếu điều dưỡng viên. Trên thế giới, cứ một bác sĩ có 3-4 điều dưỡng, Nhật thậm chí là 9, trong khi ở Việt Nam chỉ là một bác sĩ chỉ có 1,5 điều dưỡng. 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý trạm y tế là cánh tay nối dài của y tế huyện, không nên máy móc xã nào cũng cần bác sĩ.