1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thứ trưởng Y tế: “Dịch Covid-19 trên thế giới chưa thấy điểm dừng”

Nam Phương

(Dân trí) - Sáng 2/10, Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, chưa đạt đỉnh, chưa thấy điểm dừng.

Tính từ 18h ngày 1/10 đến 6h ngày 2/10, Việt Nam ghi nhận 0 ca mắc mới. Như vậy, đến nay nước ta có 1.095 ca mắc Covid-19, 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng. 

Đến nay, Việt Nam cũng đã bước vào ngày thứ 30 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 15.013, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 271

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 9.967

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 4.775.

Thứ trưởng Y tế: “Dịch Covid-19 trên thế giới chưa thấy điểm dừng” - 1

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19:

- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:

+ Lần 1: 1

+ Lần 2: 2

+ Lần 3: 5

- Số ca tử vong: 35 ca.

- Số ca điều trị khỏi: 1.018 ca.

Dịch Covid-19 trên thế giới: Tăng cả số mắc và tử vong

Chia sẻ bên lề Hội nghị trực tuyến Bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh diễn ra tại Hà Nội chiều 1/10, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc và tử vong tăng cao. Nhiều quốc gia như Ấn Độ, số ca mắc mỗi ngày có thể lên đến vài chục ngàn ca.

“Dịch Covid-19 chưa thấy điểm dừng, chưa đạt đỉnh. Gần một tháng qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng. Tuy nhiên chúng ta vẫn đang có các ca dương tính với SARS-CoV-2 là người nhập cảnh về Việt Nam. Nếu không tổ chức quyết liệt các biện pháp cách ly, theo dõi thì chúng ta sẽ thất bại trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 mà chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua”, thứ trưởng Sơn nói.

Vì thế, theo ông vấn đề an toàn bệnh viện hết sức quan trọng. Nếu để dịch Covid-19 xảy ra tại bệnh viện sẽ khiến bệnh viện tê liệt hoàn toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh như bài học tại Đà Nẵng vừa qua. Đối tượng tổn thương là những người yếu thế, bệnh nặng, bệnh nền, tuổi cao đang nằm viện, tỷ lệ tử vong tăng lên sẽ rất nhanh.

Vì thế, trách nhiệm của lãnh đạo các bệnh viện từ trung ương đến địa phương là rà soát lại tất cả các quy trình từ lúc tiếp nhận, phát hiện, cách ly cho những trường hợp nghi ngờ, thường xuyên xét nghiệm các ca nghi ngờ, cho nhân viên y tế thường tiếp xúc với đối tượng nghi ngờ.

Thứ trưởng Y tế: “Dịch Covid-19 trên thế giới chưa thấy điểm dừng” - 2

Hội nghị trực tuyến Bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19 tại các cơ sở y tế có sự tham gia của hơn 700 điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong số những cơ sở đã tự đánh giá theo Bộ tiêu chí an toàn về phòng chống Covid-19, có 1.089 cơ sở xếp loại bệnh viện an toàn (chiếm 79%), bệnh viện an toàn ở mức thấp là 263 cơ sở (chiếm hơn 19%), có 28 cơ sở không an toàn (chiếm 2%...).

Có 5 Sở Y tế kiểm tra nhiều bệnh viện nhất về các tiêu chí an toàn trong phòng chống Covid-19 là TP HCM, Thái Bình, Cà Mau, Hà Nội và Thừa Thiên Huế.

11 Sở Y tế kiểm tra ít bệnh viện nhất là Quảng Bình, Lâm Đồng, Hưng Yên, Bắc Giang, An Giang, Bình Dương, Quảng Nam, Đồng Nai, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Vĩnh Long.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong quá trình triển khai phòng chống COVID-19, nhiều cơ sở chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch, chưa chi tiết phân ca làm việc luân phiên, hệ thống biển báo còn thiếu, nhiều bệnh viện sử dụng bàn lấy mẫu, bàn khai báo thông tin bằng vật liệu khó làm vệ sinh bề mặt...