1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thứ trưởng Y tế: “Chúng tôi lo ngại làn sóng thứ 2 với dịch Covid-19”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại nước ta vẫn có thể có mầm bệnh trong cộng đồng, khả năng lây nhiễm trở lại rất lớn. Nhật, Hàn Quốc, Singapore đối mặt với làn sóng thứ 2 xâm nhập vào.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tổng kết cho thấy có nhiều trường hợp không có triệu chứng lâm sàng hoặc những triệu chứng lâm sàng rất mờ nhạt, chỉ đau mỏi người, triệu chứng giống cảm cúm, dấu hiệu rất mơ hồ nên rất dễ bỏ qua. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng xác định có thể tồn tại một số trường hợp trong cộng đồng nhưng không phát hiện ra. Vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn. 

“Chúng tôi rất lo ngại làn sóng thứ 2 đối với dịch. Bài học các nước chúng ta phải học. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đối mặt làn sóng thứ 2 xâm nhập vào và tồn tại phát triển trong một cộng đồng mà chúng ta không biết được. Đến khi dịch xảy ra trên một diện rất lớn thì lúc đó mới phát hiện ra. Lúc đó hệ thống y tế của ta sẽ trong tình trạng rất khó khăn”, thứ trưởng Long nhấn mạnh.  

Thứ trưởng Y tế: “Chúng tôi lo ngại làn sóng thứ 2 với dịch Covid-19” - 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Chinhphu.

Do đó cần kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào qua đường hàng không, kiểm soát với từng chuyến bay, từng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, kiểm soát chặt chẽ gắt gao ở các tuyến biên giới đường bộ….

“Chúng ta phải ngăn chặn triệt để tất cả những trường hợp từ bên ngoài vào trong giai đoạn hiện nay. Nếu không thế chúng ta dễ bỏ qua và dễ gây ra tình trạng làn sóng thứ 2”, thứ trưởng Long nói. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam ở đây đợt dịch thứ 2 muốn nói rằng nếu chúng ta làm không tốt thì có thể gặp phải tình huống như một số nước tình hình dịch đã thấp nhưng sau đó số mắc lại tăng vọt tạo thành đợt dịch cao trào mới.

Trên thế giới có những đợt dịch khác nhau. Đầu tiên dịch xảy ra tại TP Vũ Hán, Trung Quốc Vũ hán, đợt dịch nữa xảy ra tại các nước châu Âu và châu Mỹ, sau đó là đợt dịch của các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Đợt tới có thể có thể đợt dịch mạnh lên ở một số nước châu Phi. 

Giai đoạn đầu Việt Nam đã làm rất tốt việc ngăn chặn các ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào: đầu tiên là từ Trung Quốc (8 công nhân từ Vũ Hán về), sau đó là các ca bệnh từ các nước châu Âu và châu Mỹ; tiếp theo là các bệnh từ các nước Đông Nam Á.

Hiện nay, dịch đã lây lan ra cộng đồng. Vì thế chúng ta tiến hành giãn cách xã hội. 

“Chúng ta đã làm rất sớm, rất quyết liệt. Đến thời điểm này có thể nói là đã thành công, dịch đã chậm lại không bùng phát như một số nước cũng có những ca bệnh đầu tiên giống Việt Nam. Họ cũng có ca bệnh nhập cảnh số lượng như vậy nhưng không làm giãn cách cộng đúng và sớm khiến dịch bùng phát rất mạnh, thậm chí hàng chục nghìn ca mắc bệnh, hàng nghìn ca tử vong”, TS Phu nói. 

Dù vậy, TS Phu cũng thừa nhận thực tế hoàn toàn có thể tồn tại những người mang mầm bệnh trong cộng đồng. Các trường hợp này có thể lây bệnh cho người lành, dẫn tới trong nước có thể xuất hiện thêm những ca nhiễm mới trong thời gian tới. Đây là nguy cơ có thật và hiện hữu. Theo thống kê, có khoảng 40% người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng. 

“Chúng ta không được mất cảnh giác, không được chủ quan, tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát, từ ‘đốm lửa nhỏ’ lây lan thành đám cháy lớn như ở một số nước”, TP Phu nhấn mạnh.

Bộ Y tế đã có chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện thật sớm tất cả các ca bệnh để phát hiện được sớm trong cộng đồng, tiến hành cách ly triệt để, khoanh vùng dập dịch. Đối với cộng đồng, tất cả những trường hợp có triệu chứng mơ hồ hoặc liên quan bệnh cúm thông thường đều sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, việc xét nghiệm cũng tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ như khu công nhân, khu nhà công nhân, người lao động tự do, người yếu thế. 

Nam Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm