Thứ trưởng Bộ Y tế: Học kích não là hoang đường, lừa lọc
(Dân trí) - Sáng 2/12, chia sẻ với PV Dân trí, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã đến kiểm tra tại lớp học kích não. Về mặt y học, nói học bằng những phương pháp đó để kích thích não phát triển là hoang đường, lừa lọc bởi không có bất cứ một cơ sở y học nào.
Trước đó, báo chí đăng tải việc nhiều trung tâm rầm rộ quảng bá các lớp học kích não để giúp trẻ trở thành thiên tài, với chi phí trên trời tại Hà Nội.
GS Tiến cho biết, khi đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đến lớp học mà báo chí phản ánh để kiểm tra, không hề có thiết bị, máy móc gì. Việc học để kích não như báo chí phản ánh, đó là trẻ nhỏ được bịt mắt để sờ những thẻ bài nhiều màu sắc, sau đó trẻ tự sắp xếp các thẻ bài đồng màu với nhau và theo số thứ tự từ 1- 9; bịt mắt và dùng tay rà qua các chữ để đọc; bịt mắt để nhận diện màu sắc…và cảm nhận, tưởng tượng trong đầu những thứ mà mình đang sờ trên tay để có thể đọc to lên.
“Các lớp học này cũng mới đi vào hoạt động thì được báo chí phát hiện phản ánh, hai Bộ phối hợp kiểm tra nhanh chóng nên họ chưa kịp phát triển, mở rộng, chưa kịp gây hậu quả gì”, Thứ trưởng Tiến nói.
Đánh giá về mặt y học, GS Tiến cũng khẳng định: “Những phương pháp để “kích não” phát triển, để em bé trở thành thiên tài như vậy là hoang tưởng, hoang đường. Hành vi này mang tính lừa lọc. Người dân cả tin nghe theo thì mất tiền, mất thời gian”.
Lớp dạy kích hoạt não giữa của Trung tâm trí tuệ Việt (ảnh facebook Trung tâm trí tuệ Việt)
Đừng nhầm tưởng giữa “mẹo vặt” và trí thông minh
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cũng khẳng định, với ông, những phương pháp này là tốn thời gian, tốn tiền, không mang lại bất cứ tác dụng gì. Các bà mẹ mong muốn con được học tốt nhất, thông minh nhất, đó là những mong muôn chính đáng. Nhưng để đạt được điều này, trẻ cần được học theo những phương pháp giáo dục đã được chứng minh, chứ các mẹ không nên dại dột, là quá ngây thơ, tốn thời gian vào những phương pháp học vô bổ như thế.
“Chúng ta đang có đôi mắt, hãy để trẻ được nhìn thấy mọi vật, màu sắc, tiếp xúc với thiên nhiên. Còn bịt đi đôi mắt để trẻ tưởng tượng thứ hoàn toàn có thể nhận biết bằng mắt thường để làm gì? Tại sao lại phải luyện cái trên cuộc đời mình không bao giờ thực hiện, không bao giờ áp dụng?. Đó là một tư duy sai lầm!”, TS Dũng nói tiếp.
TS Dũng hoàn toàn tôn trọng, đồng ý với mong muốn của các bà mẹ để con mình được thông minh nhưng muốn trẻ thông minh phải được dạy dỗ, đào tạo theo phương pháp khoa học. Dường như đang có sự nhầm tưởng giữa mẹo vặt và trí thông minh. Trí thông minh là để phục vụ đời sống, giải quyết các vấn đề của đời sống. Còn mẹo vặt là để giải quyết sự tò mò.
Trí tuệ mỗi người mỗi khác, nó còn liên quan đến gen, dinh dưỡng, sự học hỏi. Vì thể phải tôn trọng tự nhiên của mỗi con người. Hãy bắt đầu chăm sóc dinh dưỡng từ khi bào thai, những năm đầu đời để trẻ có một dinh dưỡng, thể chất khỏe mạnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.
“Chỉ đơn giản là thiếu i - ốt trong chế độ ăn hàng ngày, trẻ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trí tuệ. Người ta đã nghiên cứu những trẻ thiếu I - ốt, chỉ số IQ thấp hơn những trẻ có chế độ ăn đủ I - ốt. Vì thế, cần nuôi dưỡng từ thời kỳ bào thai bằng chế độ ăn uống của người mẹ đủ các chất dinh dưỡng, đến những năm sau này để chăm sóc sự phát triển trí tuệ, thể chất lớn nhất của trẻ”, TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương khuyến cáo.
Ngoài ra, nên dành cho trẻ thời gian để chạy nhảy, chơi đùa, tiếp xúc với tự nhiên, xã hội, từ đó trẻ có một thể chất khỏe mạnh, tinh thần thoải mái cũng như khả năng nhìn nhận phân tích, đánh giá cuộc sống.
Hồng Hải