1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thứ trưởng Bộ Y tế: "Đậu mùa khỉ có nguy cơ lan ra các tỉnh khác"

Nam Phương

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, hiện nay tại nước ta ca mắc đậu mùa khỉ chủ yếu tập trung ở TPHCM, một số tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ lan ra các tỉnh khác.

Việt Nam đã ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ phát sinh trong cộng đồng

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch năm 2024 diễn ra mới đây, TS.BS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, đến hết năm 2023, cả nước ghi nhận 137 ca mắc đậu mùa khỉ (trong đó có 2 ca ghi nhận trong năm 2022), 6 ca tử vong. 

"Các trường hợp mắc và tử vong đều ghi nhận tại khu vực phía Nam, chủ yếu tại TPHCM. Các ca bệnh chủ yếu là nam (chiếm 98,5%), tuổi trung bình khoảng 31, trong đó 70% là MSM (nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới) và 55% ca bệnh nhiễm HIV", TS Đức phân tích.

Theo ông, hiện nay ca bệnh tập trung chủ yếu ở miền Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới người dân về quê ăn Tết, tăng cường giao lưu nên các tỉnh khác ở miền Bắc, Trung, Tây Nguyên cũng cần cảnh giác mầm bệnh xuất hiện. Hiện nay chưa có xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ nào được cấp phép tại nước ta. 

Thứ trưởng Bộ Y tế: Đậu mùa khỉ có nguy cơ lan ra các tỉnh khác - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Trần Minh).

"Hiện nay tại nước ta bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ chủ yếu tập trung ở TPHCM, một số tỉnh phía Nam nhưng bệnh có nguy cơ lan ra các tỉnh khác trong cả nước", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh. 

Năm 2022, nước ta chỉ ghi nhận vài ca bệnh nhập cảnh nhưng nay đã có ca bệnh phát sinh trong cộng đồng. Vì thế, Thứ trưởng nhắc các địa phương cần hết sức lưu ý. 

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, TP ghi nhận 2 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 9/2022. Đến ngày 22/9/2023, TP phát hiện một trường hợp bị đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên. Từ đó đến ngày 18/1/2024, có 151 trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn TP. 

Trong đó có 129 trường hợp đã có kết quả dương tính (chiếm 85,4%) (gồm 113 trường hợp lưu trú tại TPHCM, 14 trường hợp lưu trú tại tỉnh và 2 trường hợp mất dấu). 

Trong tổng số 113 bệnh nhân tại TPHCM, hầu hết đều đã khỏi bệnh, có 6 ca bệnh tử vong là những người nhiễm HIV. 10 trường hợp còn cách ly điều trị (gồm 4 trường hợp cách ly tại nhà và 6 trường hợp cách ly tại bệnh viện).

Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, 100% ca bệnh có địa chỉ TPHCM là nam giới, có phát hiện một vài ca là nữ giới, cư ngụ tại các tỉnh và có quan hệ tình dục với nam giới bị đậu mùa khỉ. 

Về xu hướng tình dục, 78% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), tỷ lệ lưỡng tính là 11% và dị tính là 9% và 4% chưa khai thác được.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Đậu mùa khỉ có nguy cơ lan ra các tỉnh khác - 2

Phân bố ca mắc đậu mùa khỉ tại nước ta (Nguồn: Cục Y tế Dự phòng).

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh đậu mùa khỉ. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo và sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi. 

Tuy nhiên, từ năm ngoái, thế giới ghi nhận số ca bệnh tăng lên, đặc biệt là một số quốc gia châu Âu. 

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ gồm: 

- Sưng hạch bạch huyết. 

- Sốt.

- Phát ban với mụn nước trên mặt, bàn tay, bàn chân, mắt, miệng, bộ phận sinh dục. 

- Đau đầu, đau cơ và đau lưng. 

- Yếu sức. 

Đường lây truyền của bệnh là qua tiếp xúc trực tiếp, đường máu. Với người khỏe mạnh, bệnh diễn biến tương đối lành tính, chỉ cần cách ly tốt, điều trị bội nhiễm nếu có, sau 21 ngày người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn.

Trong giai đoạn điều trị, để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh thì người chăm sóc cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ vết loét bằng cách sử dụng găng tay, khẩu trang, rửa tay thường xuyên. 

Với những trường hợp có sức đề kháng bình thường thì tiên lượng bệnh tốt, không gây bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển nặng ở những người có sức đề kháng kém.