1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thử máu tìm sán: chữa hoài vẫn “dương”!

Hiện rất nhiều cơ sở y tế triển khai các loại xét nghiệm tầm soát ký sinh trùng, tuy nhiên, vấn đề tư vấn và điều trị lại bỏ ngỏ khiến nhiều bệnh nhân cứ mang kết quả xét nghiệm chạy lòng vòng hòng tìm được lời giải đáp thoả đáng cho bệnh lý của mình.

Xét nghiệm máu không phải là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện giun sán. Ảnh: Lê Giang

Xét nghiệm máu không phải là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện giun sán. Ảnh: Lê Giang

 

Thử cả ký sinh trùng không có ở Việt Nam!

 

“Thử máu tìm sán” đã thành câu cửa miệng của rất nhiều bệnh nhân khi đến các cơ sở khám chữa bệnh yêu cầu làm xét nghiệm. Nhiều cơ sở y tế cứ cho bệnh nhân thử đủ loại ký sinh trùng, kể cả những loại… không có ở Việt Nam. Sau khi có kết quả, bệnh nhân được chữa theo kiểu “dương đâu chữa đấy”, có nghĩa là kết quả xét nghiệm dương tính với bất kỳ loại ký sinh trùng nào cũng được cấp thuốc điều trị, kể cả khi bệnh nhân chẳng có triệu chứng nào liên quan, thậm chí có bệnh nhân uống thuốc đến nửa năm mà bác sĩ vẫn bảo chưa hết, mà không giải thích tại sao. Nhiều bệnh nhân sau vài đợt điều trị càng hoang mang lo lắng vì kết quả thử máu vẫn còn “dương tính”!

 

Vấn đề chẩn đoán bệnh ký sinh trùng thật ra không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, rằng chỉ cần thử máu là biết tất cả các mầm bệnh ký sinh đã nhiễm. Để chẩn đoán bệnh ký sinh trùng, thầy thuốc cần chọn lựa cho bệnh nhân làm một hoặc vài loại xét nghiệm từ soi phân tìm ký sinh trùng đường ruột (giun đũa, giun móc, giun tóc, giun lươn, amip, các loại đơn bào gây tiêu chảy ký sinh tại đường ruột) đến xét nghiệm đàm tìm trứng sán lá phổi, xét nghiệm dịch màng phổi tìm ấu trùng giun lươn, nội soi dạ dày tìm ký sinh trùng lạc chỗ từ ruột non chui lên như giun lươn, giun móc, phết máu ngoại biên tìm ký sinh trùng sốt rét, ấu trùng giun chỉ… tuỳ theo triệu chứng lâm sàng cụ thể. Nhóm ký sinh trùng đường ruột là tác nhân gây bệnh rất phổ biến ở nước ta từ xưa đến nay, nhưng chưa được chú trọng đúng mức.

 

ELISA không phải là tất cả

 

Hơn 15 năm trước, xét nghiệm máu tìm kháng thể của một số tác nhân ký sinh trùng lạc chỗ, lạc chủ hoặc ký sinh trùng xâm nhập mô cơ thể bắt đầu phổ biến và nay đã trở thành phong trào. Tuy nhiên, xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng (phương pháp ELISA) không phải là tất cả, chỉ một số ký sinh trùng đi lạc chỗ, lạc chủ, xâm nhập nhiều vào mô cơ thể của ký chủ mới tạo ra kháng thể kháng ký sinh trùng, do đó dùng phương pháp huyết thanh miễn dịch men mới chẩn đoán được. Các ký sinh trùng được chẩn đoán bằng phương pháp này là: giun đũa chó (Toxocara canis), gạo heo (Cysticercus cellulosea), giun Gnathostoma sp và giun lươn Strongyloides stercoralis, sán lá lớn ở gan (Fasciola sp), sán lá phổi (Paragonimus westermanii, amip Entamoeba histolytica, đơn bào Toxoplasma gondii. Các xét nghiệm này ra đời đã giúp ích rất nhiều cho thầy thuốc trong chẩn đoán và điều trị. Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm các loại ký sinh trùng trên tương đối phổ biến do thói quen ăn uống cũng như nuôi chó mèo ngày càng nhiều ở thành phố. Đáng lưu ý là nhiều loại ký sinh trùng không có ở Việt Nam như sán máng (Schistosoma sp), sán cát (Echinococcus granulosus), giun xoắn (Trichinella spiralis) nhưng vẫn được nhiều cơ sở y tế cho làm xét nghiệm rất vô tư, gây lãng phí tiền của cho bệnh nhân. Một số loại ký sinh trùng như giun móc, giun đũa ký sinh ở ruột, nếu muốn tầm soát phải soi phân chứ không cần thử máu tìm kháng thể...

 

Muốn biết bệnh, nên làm gì?

 

Nếu muốn biết bị nhiễm ký sinh trùng nào, cách tốt nhất là đi khám chuyên khoa ký sinh trùng để các bác sĩ khám và thăm hỏi thói quen ăn uống, nơi sinh sống và những triệu chứng đi kèm để chẩn đoán bạn có khả năng bị nhiễm ký sinh trùng nào, từ đó chỉ định làm xét nghiệm thích hợp (soi cấy phân, sinh thiết hay thử máu), chỉ khi đó mới có được chẩn đoán chính xác để điều trị đặc hiệu.

 

Một điều cần lưu ý: bệnh nhân cũng không nên tự ý mua thuốc xổ giun ở các hiệu thuốc tây hay tự đi xét nghiệm và uống thuốc không đúng chuyên khoa, sẽ kéo dài bệnh hoặc uống thuốc quá nhiều còn gây độc cho gan.

 

Theo TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu

Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

Sài Gòn tiếp thị