Thói quen ăn ngọt âm thầm "đốn hạ" gan như thế nào?
(Dân trí) - Thói quen ăn ngọt vô tình khiến bạn có nguy cơ đối mặt với các bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, bệnh tim, gan nhiễm mỡ, lão hóa sớm…
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Y Graz (Áo) và Bệnh viện Đại học Zurich (Thụy Sỹ) đã thực hiện một thí nghiệm liên quan đến ảnh hưởng của đồ ngọt đến cơ thể con người. Theo kết quả sau đó được công bố, tiếp nạp đường quá nhiều vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và khả năng làm việc của gan.
Cụ thể, 94 người tham gia thí nghiệm được chia thành 3 nhóm, nhóm 1 được yêu cầu kiêng đồ uống có chất tạo ngọt trong vòng 4 tuần. Nhóm 2 phải uống thức uống có chứa đường fructose hoặc glucose 3 lần/ngày, tổng cộng mỗi ngày tiêu thụ 80g đường. Nhóm thứ 3 là nhóm kiêng tất cả đồ uống có vị ngọt.
Kết quả là những người thuộc nhóm 2 không tiêu thụ nhiều calo hơn so với lúc trước khi bắt đầu thí nghiệm, vì đồ uống có đường làm tăng cảm giác no của những người tham gia, khiến họ ít thèm ăn, từ đó, dung nạp ít calo hơn bình thường. Tuy nhiên, cơ thể của những người này lại sản sinh chất béo cao gấp đôi so với những người uống đồ uống có chất tạo ngọt và những người kiêng đồ uống có đường.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Philipp Gerber thuộc Khoa Nội tiết, Tiểu đường và Dinh dưỡng Lâm sàng tại Đại học Zurich cho biết: "Chất béo tích tụ trong gan dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu".
Một phát hiện đáng ngạc nhiên khác là glucose đã thúc đẩy quá trình tổng hợp chất béo nhiều hơn một chút so với fructose. Cho đến nay, hầu hết các nhà khoa học vẫn tin rằng fructose có nhiều khả năng gây ra những thay đổi liên quan đến trao đổi chất.
Glucose là một loại đường đơn, được cơ thể hấp thụ trực tiếp để tạo năng lượng, giúp duy trì các hoạt động sống, và nó có nhiều trong các loại thực phẩm tự nhiên. Sau khi được hấp thụ vào máu từ hệ tiêu hóa, glucose sẽ kích thích tuyến tụy tiết hormone insulin giúp vận chuyển glucose đến các tế bào để tạo năng lượng đồng thời giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định.
Fructose thì ngược lại, cơ thể không có khả năng tự sản xuất và cũng không có nhu cầu sinh lý trực tiếp từ nó. Nhưng mỗi ngày, thông qua chế độ ăn uống (thức ăn nhanh, bánh kẹo, soda, nước ngọt có ga…) chúng ta đang đưa fructose vào người theo đường máu đưa trực tiếp đến gan. Và gan là cơ quan duy nhất có thể chuyển hóa fructose thông qua cơ chế chuyển fructose thành glycogen và lưu trữ trong gan cho đến khi cơ thể cần. Lúc đó, gan sẽ thủy phân glycogen trở thành glucose đưa vào máu.
Nếu chỉ tiêu thụ một lượng fructose ở mức vừa phải (một ít trong trái cây tươi), gan sẽ thực hiện tốt vai trò chuyển hóa. Nhưng ngược lại nếu ăn quá nhiều đồ ngọt thì nó sẽ làm cho gan hoạt động liên tục dẫn đến quá tải. Đặc biệt, khi năng lượng đang bị dư thừa gan sẽ chuyển đổi fructose thành chất béo. Lượng chất béo tích tụ nhiều trong gan sẽ gây nên bệnh gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều fructose cũng góp phần làm tăng đề kháng insulin của cơ thể, cũng là một nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ. Và nếu quá trình này vẫn liên tục tiếp diễn, không có biện pháp can thiệp sẽ thúc đẩy bệnh gan nhiễm mỡ tiến triển xấu đi gây xơ gan.