Thịt cóc: Độc mấy vẫn đắt hàng!

(Dân trí) - Dù thịt cóc trên thị trường được “hét” với giá cắt cổ từ 400-500ngàn/kg và luôn được các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ gây độc dẫn tới tử vong nhưng đây vẫn được coi là món ăn “quý” và rất đắt hàng.

Về làng “gom” cóc

 

Thịt cóc: Độc mấy vẫn đắt hàng! - 1

Hàng cóc dạo sẵn sàng dừng xe, làm thịt cóc tại chỗ cho khách xem ở bất cứ đâu

Sau mỗi cơn mưa hè là thời điểm cậu ông trời tìm đôi kết lứa sinh sản và cũng là lúc ở nhiều vùng quê rộ lên các điểm thu mua “cậu ông trời” bởi thực phẩm này đang “lên ngôi” ở nhiều tỉnh thành như: Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng….

 

Theo chân những người thu mua “cậu ông trời” chúng tôi tìm đến các xã Hưng Lĩnh, Hưng Tân, Nam Cát, Nam Lĩnh… của hai huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn (Nghệ An), địa phương có khá nhiều điểm “gom” cóc.  

 

Anh Nguyễn Văn Bé, 37 tuổi, quê Hà Nam đang bán thịt cóc tại TP Vinh cho biết  “Cóc được đặt mua ở các vùng quê rồi chở lên phố bán. Chúng tôi về địa phương gom hàng. Khi nào có hàng, điểm gom sẽ alô để chúng tôi đến lấy”. Các điểm gom hàng ở đây là các gia đình có hàng quán, kiêm luôn thu mua cóc.

 

Thợ mổ cóc thường về quê nhờ nhà dân làm điểm thu mua. Theo chị Dương Thị Hạnh, điểm thu mua cóc ở Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên cho biết: “Mỗi ngày thu mua 50-70kg cóc sống”. 

 

Làm cóc - Chuyện dở khóc dở cười

 

Vợ chồng anh Trần Văn Thanh (Yên Định, Thanh Hoá) tâm sự: “So với các loại thịt ếch, chẫu chàng thì làm thịt cóc rất khó. Thịt cóc có chứa một lượng độc khá lớn, khắp cơ thể, nếu không làm sạch có thể dẫn đến tử vong cho người ăn. Vì thế mà không phải ai cũng mổ thị cóc được. Không cẩn thận là gây án mạng như chơi”.

 

Da cóc, ruột, gan, mật, phổi và trứng cóc đều rất độc, nếu ăn phải, nhẹ thì rơi vào trạng thái nhức đầu, nôn mửa, toàn thân rã rời, có trường hợp bí tiểu, đau ê ẩm; nặng thì có thể dẫn đến tử vong. Trên thực tế không ít trường hợp ăn thịt cóc dẫn đến chết người do chế biến cóc không cẩn thận để mủ cóc dính vào thịt hay do ăn trứng, phủ tạng cóc. Mủ cóc dính vào tay chân nhiều sẽ gây rộp da, lở loét da. Dính vào mắt sẽ gây sưng đau và tổn thương.

 

Một thợ làm cóc ở Đà Nẵng chia sẻ để có thể làm thịt cóc “an toàn”, anh đã phải trải qua nhiều lần dính phải độc cóc trước khi trở thành thợ mổ. Khó là vậy nhưng vì đồng tiền, nhiều tay thợ làm cóc chỉ mới “kinh qua” vài lần mổ đã “ầm ầm” đi làm thịt cóc bán cho khách. Nhiều trường hợp dở khóc dở cười xảy ra khi khách tìm đến “cậu ông trời” để tẩm bổ.
 

Ví như trường hợp của anh Nguyễn Văn Hải (Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên, Nghệ An) đến trung tâm y tế xã trong tình trạng bí tiểu, đau buốt dù rất muốn “giải quyết” mà không được. Theo lời kể của anh Hải, tối hôm trước, anh có mua một ít thịt cóc ở TP Vinh về nấu cháo tẩm bổ và kết quả là sáng hôm sau phải đi khám. Bác sĩ Hà (Trung tâm Y tế xã Hưng Lĩnh), cho biết: “Anh Hải đã bị ngộ độc thịt cóc nhưng ở mức độ nhẹ, gây bí đái, đau buốt, khó tiểu tiện”.

 
Hay như trường hợp của 2 mẹ con chị Lê Thị Nhường (trú làng Đấn, xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Đàn, Nghệ An), cả chị và đứa con trai út đều bị ngộ độc thịt cóc do chính mình chế biến, phải đi cấp cứu. Vụ ngộ độc này đã làm xôn xao dư luận Nghệ An trong khoảng thời gian dài.
 

Cần không một lệnh cấm bán rong thịt cóc?

 

Không khó để nhận diện những “đao phủ” làm thịt “cậu ông trời”. Họ thường đi trên xe gắn máy và mang theo tấm bảng quảng cáo: “Bán cóc vàng, làm ruốc, chả bông tại nhà. Chữa các bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, biếng ăn chậm lớn”.

 

Thịt cóc có thể chế biến thành các món ăn ngon, có giá trị dinh dưỡng cao Nhưng làm thịt cóc như thế nào và cách nào để quản lí chất lượng thịt cóc đang là vấn đề cần quan tâm. Nên chăng, cũng như lệnh cấm ăn thịt cá nóc, một lệnh cấm đối với thịt cóc cũng cần được ban hành, nhất là trong thời điểm hiện nay, bán cóc dạo đang rất rầm rộ tại nhiều địa phương.

 

Lê Phi