Thiếu vitamin A, trẻ bị phát triển chậm về thể chất
(Dân trí) - Thiếu vitamin A không chỉ ảnh hưởng tới thị lực mà còn gây ra ra tình trạng kém hấp thu dưỡng chất, từ đó gây chậm phát triển thể chất... và vô số các hệ lụy không ngờ khác.
Vitamin A là một loại dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ nhưng thực phẩm hằng ngày không đủ đáp ứng nhu cầu này
Vai trò của vitamin A
Việc bổ sung vitamin A sẽ đáp ứng nhu cầu của cơ thể để phục vụ cho các chức năng nhìn; phát triển, bảo vệ toàn vẹn biểu mô và sự phân bào, miễn dịch của trẻ nhỏ.
Cụ thể, về thị lực, nếu thiếu vitamin A sẽ gây ra quáng gà (không nhìn thấy rõ trong điều kiện ánh sáng yếu), thậm chí gây tổn thương giác mạc mắt, gây mù lòa vĩnh viễn.
Khi thiếu vitamin A, trẻ em bị chậm phát triển về thể chất nhiều hơn so với những trẻ em bình thường cùng lứa tuổi do thiếu viatmin A, các tế bào biểu mô sẽ bị sừng hóa, những nhung mao của ruột bị thưa và mất đi, khiến trẻ kém hấp thu dưỡng chất trong ruột; ngoài ra, trẻ cũng dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Vitamin A còn có vai trò miễn dịch. Nếu thiếu vitamin A, trẻ em dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn và khi bị mắc bệnh sẽ có thời gian bệnh kéo dài nhiều hơn, nguy cơ tử vong cao hơn. Bổ sung vitamin A sẽ làm giảm khoảng 23% tỷ lệ tử vong ở trẻ em.
Các dạng vitamin A bổ sung
Vitamin A được sản xuất dưới dạnh viên nang, phổ biến là 2 loại viên nang liều cao. Viên màu đỏ chứa 200.000 đợn vị, viên màu xanh chứa 100.000 đơn vị. Việc uống loại nào phụ thuộc vào độ tuổi.
Vitamin A thường sử dụng cho trẻ em từ 6 đến 60 tháng tuổi, được uống theo chiến dịch bổ sung vitamin A toàn quốc mỗi năm 2 lần.
Vitamin A cũng được sử dụng điều trị cho trẻ em dưới 5 tuổi mắc các bệnh như sởi, tiêu chảy kéo dài, viêm hô hấp cấp tính, suy dinh dưỡng nặng... Ngoài ra, bà mẹ sau khi sinh con trong vòng một tháng có thể sử dụng vitamin A để tăng cường lượng vitamin A trong sữa mẹ.
Lưu ý tác dụng phụ
Vitamin A cho trẻ em uống bổ sung an toàn và hầu như không có tác dụng phụ. Tuy nhiên trong một số các trường hợp nếu dùng vitamin A liều quá cao cùng một lúc, có thể đến hàng triệu đơn vị quốc tế hoặc dùng kéo dài, thường xuất hiện dấu hiệu ngộ độc như:
- Ngộ độc cấp tính xảy ra vì uống quá liều quy định do nhầm lẫn thuốc. Trên thực tế, các trường hợp này rất hiếm gặp. Khi bị ngộ độc cấp tính, trẻ nhỏ có dấu hiệu thóp phồng, nôn mửa, tăng áp lực sọ não... Cần cho trẻ em uống vitamin C hoặc nước chanh đường và nên đưa ngay đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
- Ngộ độc mạn tính xảy ra khi có các dấu hiệu như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, da khô, trẻ nhỏ chậm tăng cân, kém ăn, tăng sự chảy máu, đau xương...
Tuy nhiên, từ khi triển khai các hoạt động cho trẻ em uống vitamin A một năm 2 lần từ trước đến nay chưa xuất hiện dấu hiệu trẻ em bị nhiễm độc do uống vitamin A.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh