Thiếu niên 17 tuổi nhập viện với cánh tay "rỗ như tổ ong"

Nam Phương

(Dân trí) - Bị dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh, cánh tay trái cậu thiếu niên (17 tuổi, Hà Nam) xuất hiện nhiều u máu, khiến tay bị biến dạng, yếu, đau tức. Cậu đã đi khám nhiều nơi nhưng không xử lý được.

Bệnh nhân H.V.K. (17 tuổi, ở Hà Nam) là một trong 3 bệnh nhân được chọn can thiệp trong chương trình trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về bệnh lý mạch máu ngoại biên diễn ra ngày 13/5 tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh, là sự nối thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch. Hậu quả là các khối u máu xuất hiện, khiến cánh tay trái của bệnh nhân từ trên vai trở xuống bị biến dạng.

Thiếu niên 17 tuổi nhập viện với cánh tay rỗ như tổ ong - 1

Cánh tai trái của bệnh nhân bị biến dạng, yếu, đau tức (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Mẹ bệnh nhân cho biết, lúc mới sinh thấy tay con có màu xanh, gia đình chỉ nghĩ cháu bị chàm. Tuy nhiên, đến một tháng tuổi, tay của trẻ bắt đầu phồng to lên, đau. Gia đình đã đưa con đi khám tại nhiều bệnh viện. Có nơi bảo trẻ bị u máu, có nơi lại bảo bị giãn tĩnh mạch tay.

"Khi đó, các bác sĩ đều bảo bệnh của con tôi chưa chữa được, cứ nuôi trẻ lớn. Sau này có đoàn chuyên gia nước ngoài đến chữa được thì đưa trẻ đến. Tay của cháu nổi u tưởng là hạch nhưng bác sĩ bảo là do máu không lưu thông được. Cánh tay trái của cháu yếu hẳn, bình thường chỉ để xuôi xuống, đau, tức", mẹ bệnh nhân kể lại.

Thiếu niên 17 tuổi nhập viện với cánh tay rỗ như tổ ong - 2

Hình ảnh chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt cho thấy cánh trái của bệnh nhân "rỗ như tổ ong" (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Vì thế, lần này đưa con quay lại Bệnh viện Tim Hà Nội, chị rất mừng khi biết bệnh của con đã có thể can thiệp được.

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, đây là một ca bệnh phức tạp. Trước đó, bệnh nhân đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế nhưng không xử lý được. Kết quả chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt cho thấy cánh tay trái của bệnh nhân "rỗ như tổ ong". Bệnh nhân bị hạn chế hoạt động, tay trái yếu, bị chèn ép thần kinh.

"Nếu phẫu thuật thì chỉ có cách cắt cụt tay, điều này sẽ là thiệt thòi rất lớn với bệnh nhân. Trong khi đó, nếu không can thiệp, bệnh nhân vẫn sẽ phải sống chung với cơn đau, thậm chí có thể dẫn đến suy tim, chảy máu trong cơ hình thành huyết khối gây biến chứng nhiễm trùng chảy máu tắc mạch, nặng hơn nữa sẽ phải cắt cụt chi", PGS Hiền nói.

Ca bệnh này đã được hội chẩn với sự tham gia của các bác sĩ Singapore, để từ đó đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất cho người bệnh.

Cụ thể, thông qua các hình ảnh chụp, bác sĩ xác định được các vị trí tổn thương. Trong lần can thiệp đầu tiên này, các bác sĩ dùng keo, hóa chất để bít các tổn thương nhằm khu trú dần tổn thương đồng thời tiêm xơ các búi mạch. Mục đích là để bảo tồn và phục hồi chức năng của chi, tránh biến chứng.

Vì không thể cùng một lúc bít tất cả các vị trí tổn thương nên dự kiến, bệnh nhân phải cần 5-7 lần can thiệp mới hy vọng chữa lành được tổn thương.