1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

Thiếu nhân lực y tế tại các cơ sở bảo trợ xã hội

(Dân trí) - Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người tàn tật, người mắc bệnh xã hội nhưng số bác sĩ tại cơ sở bảo trợ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều năm qua, các đơn vị này đã nỗ lực tuyển nhân sự, nhưng thu nhập thấp nên y bác sĩ không mặn mà.

Chiều 13/5, bà Tôi Thị Bích Châu, Trưởng Ban văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân TPHCM cùng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan về tình hình hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội trẻ em và người già trên địa bàn thành phố.

Trẻ được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội Linh Xuân, Thủ Đức
Trẻ được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội Linh Xuân, Thủ Đức

Báo cáo của bà Nguyễn Thị Liên, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cho thấy: Hiện Sở đang quản lý 16 trung tâm bảo trợ xã hội công lập và khoảng 60 cơ sở ngoài công lập. Các đơn vị nói trên đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn 9.300 đối tượng là trẻ em mồ côi, người già neo đơn, người khuyết tật, người nhiễm HIV, người mắc bệnh tâm thần… bằng nguồn kinh phí từ ngân sách và nguồn kinh phí vận động từ các tổ chức thiện nguyện trong và ngoài nước.

Bên cạnh các khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí hoạt động eo hẹp, các cơ sở đang đối mặt với những thách thức lớn do thiếu nhân lực y tế, thiếu trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe của đối tượng được bảo trợ.

Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho các đối tượng bị tâm thần, nhiễm HIV, phục hồi chức năng cho người tàn tật, nhưng hầu hết các trung tâm hiện nay chỉ có từ 1 - 2 bác sĩ. Đơn cử như Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định, hiện chỉ có 2 bác sĩ, 2 dược tá, 5 y tá còn lại hầu hết là điều dưỡng sơ cấp, trung cấp… đảm nhận nhiệm vụ khám chữa bệnh.

Nhiều năm qua các cơ sở bảo trợ xã hội đã có chủ trương tuyển thêm y bác sĩ để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho các đối tượng được bảo trợ. Tuy nhiên, do mức thu nhập thấp trung bình chỉ từ 6 - 8 triệu đồng, song áp lực công việc lớn, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh thiếu thốn, môi trường làm việc nhiều rủi ro, căng thẳng… nên không tuyển được người.

Trước vấn đề trên, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã kiến nghị Hội đồng Nhân dân thành phố, thời gian tới cần chú trọng đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở bảo trợ; cần có chính sách, quyền lợi đặc biệt để hỗ trợ tuyển dụng bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế cho các cơ sở bảo trợ xã hội.

Bà Tô Thị Bích Châu đã ghi nhận những đề xuất của Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Bà cho biết sẽ kiến nghị với các cấp có thẩm quyền liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng khó khăn do thiếu nhân lực y tế đang diễn ra tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm