Thiếu chất này khiến con bạn lười ăn

Chế độ ăn không hợp lý dẫn đến thiếu vi chất, liên tục sử dụng kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn… là các nguyên nhân chính dẫn đến cơ thể trẻ thiếu kẽm, gây chán ăn, thấp còi, suy dinh dưỡng…

Bất mãn vì bố mẹ to cao, con còi cọc

Bất kỳ thời điểm nào, trên face book hay các diễn đàn của các bà mẹ đều bắt gặp những lời phàn nàn về chứng biếng ăn của con mình. Vào những ngày này, khi thời tiết đang lúc giao thời, mưa nắng bất chợt, nóng lạnh thất thường thì tình trạng “sợ ăn” của trẻ lại càng làm các bậc phụ huynh đau đầu.

Tuy nhiên, trong khi quá sốt ruột tìm đủ mọi cách để ép con ăn, nhiều bà mẹ đã không tìm hiểu kỹ và bỏ qua những thông tin hết sức khoa học đối với vấn đề biếng ăn của trẻ.

Chị Thu, ở khu tập thể Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội có cậu con trai gần 3 tuổi. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài, trông bé chỉ như một trẻ chưa đến 2 tuổi, với khuôn mặt hốc hác, mắt trũng sâu. Sờ vào người thì thấy xương sườn, xương sống nhô lên rất thương.

Trong khi hai vợ chồng chị Thu đều là người to cao, khỏe mạnh thì tình trạng gầy yếu của con lại càng làm cho anh chị lo lắng. “Giá mà bố mẹ bé nhỏ thì bảo là do gen, đằng này hai vợ chồng thì to béo, con lại cứ còi dí còi dị, cứ như thể bố mẹ không chăm lo cho con vậy.” - chị Thu chán nản nói.

Chị Thu cùng ở cùng mẹ đẻ nên bà ngoại bé cũng hết lòng chăm sóc cháu. Cơm, cháo, bún, phở, mì tôm, bánh mì, bánh ngọt…, đủ mọi món được thay đổi hàng ngày để dụ bé ăn nhưng vẫn thất bại. Bà ngoại bé còn cầu kỳ mua cả con gà hay chim về hầm lấy nước nấu cháo cũng chả ăn thua.

Đã thế, mẹ chồng chị Thu ở quê thỉnh thoảng đến thăm cháu lại mát mẻ: “Sao này xưa tôi nuôi bố nó to béo thế mà giờ con nó lại còi thế không biết!”, khiến không khí gia đình càng thêm ngột ngạt.

Trường hợp như của gia đình chị Thu không phải là hiếm. Có trường hợp phụ huynh cho biết, cậu con trai đã học lớp 8 nhưng chỉ nặng có 27kg, trông như học sinh cấp I, trong khi bố thì cao 1m80.

Mang chuyện này đi hỏi các chuyên gia dinh dưỡng, phóng viên đã sáng tỏ phần nào nguyên nhân khiến những trường hợp bố mẹ to khỏe, còn con lại thấp còi, ốm yếu như vậy.

Thiếu chất này khiến con bạn lười ăn - 1

Thiếu kẽm khiến trẻ biếng ăn - ảnh minh họa

Thiếu kẽm, trẻ biếng ăn, thấp còi

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng, Viện dinh dưỡng Quốc gia, trong khi các bố mẹ cố ép cho con ăn số lượng thật nhiều thì họ lại quên mất một điều, chất lượng dinh dưỡng hợp lý trong khẩu phần ăn mới là điều quan trọng nhất đối với sức khỏe của trẻ. Dinh dưỡng không hợp lý, không khoa học không chỉ khiến trẻ thấp còi mà còn thiếu sức đề kháng, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là vào mùa hè.

Đặc biệt, TS Lâm lưu ý, một trong những vi chất rất quan trọng nhưng lại có nguy cơ thiếu hụt rất cao trong khẩu phần ăn của trẻ, đó là kẽm. Thiếu kẽm ảnh hưởng rất lớn vì kẽm là thành phần tham gia gần như vào tất cả enzim nên các chuyển hóa trong cơ thể đều ảnh hưởng khi thiếu kẽm.

“Có trẻ nhìn thấy rõ bên ngoài là trẻ chậm phát triển chiều cao, trẻ biếng ăn… và khi đến khám, các bác sĩ cho xét nghiệm đã thấy cơ thể thiếu kẽm rất nhiều”, TS Lâm thông tin.

Cùng quan điểm này, ThS. BS. Trần Khánh Vân, Phó khoa vi chất (Viện Dinh dưỡng) cho biết, trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng thấp còi có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do thiếu vi chất, đặc biệt là thiếu kẽm.

“Vi chất kẽm có liên quan tới cấu chức và chức năng của 300 loại enzyme. Nó là thành phần thiết yếu của nhiều protein. Kẽm tham gia vào quá trình hình thành và phát triển của nhiều cơ quan trong cơ thể như, tạo tế bào máu, tái tạo cấu trúc tim, tạo tế bào mỡ, duy trì tế bào gốc, tái tạo các tế bào thần kinh võng mạc, phát triển phổi sơ sinh… Kẽm còn tham gia vào việc điều hòa gen cho việc hình thành các thành phần của xương.

“Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Thiếu kẽm còn gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần làm trẻ dễ nổi cáu”, ThS. BS. Trần Khánh Vân cho biết.

Theo ThS. BS. Trần Khánh Vân, cha mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ bằng các thực phẩm giàu kẽm như: Tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng..) hoặc bằng các chế phẩm dinh dưỡng khác.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi, để đủ kẽm nên cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ sẽ dễ hấp thu hơn sữa công thức, còn người mẹ cũng có thể bổ sung kẽm bằng thức ăn hoặc các chế phẩm có kẽm.

Khẳng định trẻ thiếu kẽm nếu được bổ sung kẽm đầy đủ sẽ rất tốt cho việc phát triển chiều cao cũng như việc kích thích ăn ở trẻ, nhưng BS Trần Khánh Vân cũng khuyến cáo, trẻ không thiếu kẽm thì bổ sung cũng không có tác dụng bởi trẻ có thể thấp còi nhưng do nguyên nhân khác. Hơn nữa, khi cơ thể thừa kẽm sẽ gây độc cho gan thận vì tăng thải và gây ức chế hấp thu các vi chất khác. Chẳng hạn thừa sắt thì ức chế hấp thu kẽm, vitamin A, canxi…

Những biểu hiện của thiếu kẽm:

Thiếu kẽm ở mức độ nhẹ, hoặc vừa:

- Thiếu dinh dưỡng: chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chậm tăng trưởng chiều cao, …

- Rối loạn tiêu hóa và chuyển hóa: trẻ có tình trạng suy giảm tiêu thụ năng lượng như chán ăn hoặc giảm ăn, giảm bú, không ăn thịt cá, chậm tiêu, táo bón nhẹ, buồn nôn và nôn kéo dài ở trẻ.

- Rối loạn tâm - thần kinh: rối loạn giấc ngủ (trằn trọc khó ngủ, mất ngủ), thức giấc nhiều lần trong đêm, khóc đêm kéo dài; suy nhược thần kinh (đau đầu, thần kinh dễ bị kích thích, giảm trí nhớ); rối loạn cảm xúc (thờ ơ, lãnh đạm, trầm cảm, thay đổi tính tình. Bệnh còn có thể suy yếu hoạt động của não, mơ màng chậm chạp, hoang tưởng, mất điều hòa lời nói, rối loạn vị giác và khứu giác, khuyết tật, bại não, chậm phát triển tâm thần vận động...

- Suy giảm khả năng miễn dịch: nhiễm trùng tái diễn ở đường hô hấp (viêm mũi họng, viêm phế quản tái đi tái lại), viêm đường tiêu hóa, viêm da, mụn bỏng, mụn mủ, viêm niêm mạc.

- Tổn thương biểu mô: khô da, viêm da vùng mặt trước hai chi dưới, nám da, bong da, dày sừng và nứt gót da hai bên, viêm niêm mạc miệng, viêm lưỡi, vết thương lâu lành, dị ứng, loạn dưỡng móng, viêm mé móng, tóc giòn dễ gãy, hói tóc.

- Tổn thương mắt: sợ ánh sáng, mất khả năng thích nghi với bóng tối, mù đêm, quáng gà, khô mắt, loét giác mạc.

- Da ngứa ngáy: các triệu chứng kèm theo là vết thương khó lành và "hạt gạo" trên móng tay. Tình trạng này là do thiếu kẽm, chất giúp tạo ra các tế bào và enzyme mới cũng như cần cho việc làm lành vết thương.

Thiếu kẽm ở mức độ nặng:

Viêm da, dày sừng, sạm và bong da mặt ngoài hai cẳng chân (vẩy cá), hói, loạn dưỡng móng (móng nhăn, có vệt trắng, chậm mọc), khô mắt, viêm quanh hậu môn, âm hộ, tiêu chảy, tăng nhạy cảm đối với bệnh nhiễm trùng, gây ra nhiễm trùng tái diễn. Bệnh nặng kích thích thần kinh, rối loạn nhận thức, mắc chứng ngủ lịm, chậm phát triển tâm thần vận động. Thiếu kẽm có thể gây chậm phát triển giới tính, giảm khả năng tuyến sinh dục, ít tinh trùng, bệnh bất lực, suy dinh dưỡng nặng, chứng lùn...

Sử dụng kháng sinh nhiều gây thiếu kẽm

Kết quả điều tra về tình trạng dinh dưỡng tại 6 tỉnh ở Việt Nam năm 2010 cho thấy tỷ lệ phụ nữ có thai bị thiếu kẽm là 90%, ở trẻ em dưới 5 tuổi là 81,2% và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 65%.

Kết quả điều tra tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em 6-59 tháng do Viện Dinh dưỡng tiến hành năm 2014-2015 cũng cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 80,3%, phụ nữ không có thai 63,6% và trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%.

Tỷ lệ thiếu kẽm ở Việt Nam rất cao so với ngưỡng phân loại của nhóm tư vấn Quốc tế về kẽm (IZINC) khi tỷ lệ thiếu kẽm ở cộng đồng trên 20% được xác định là vấn đề thiếu kẽm có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến thiếu kẽm ở trẻ em Việt Nam bao gồm: Tình trạng mắc các bệnh nhiễm khuẩn thường xuyên ở trẻ khiến cho tần suất sử dụng kháng sinh cao. Đây là một nguyên nhân khiến lượng Kẽm trong cơ thể trẻ bị giảm; do chế độ ăn của trẻ không thường xuyên được bổ sung các thực phẩm giàu Kẽm như hàu, ngao, tôm, cua, các loại thịt như bò, gà, hạt ngũ cốc.

Theo Xuân Hưng

Vnmedia