Hà Nội:

Thiết bị y tế hết “đát” vào các bệnh viện bằng con đường nào?

(Dân trí) - Mặc dù xin phép và được sự đồng ý của các cơ quan chức năng để nhập máy móc thiết bị y tế mới 100%, nhưng Phạm Hồng Anh (41 tuổi, Giám đốc Cty ANNA) lại nhập toàn máy móc thiết bị y tế hết “đát” rồi đưa vào bệnh viện tuyến huyện sử dụng.

Nhập toàn thiết bị y tế hết “đát”

CSĐT Bộ Công an vừa tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Hồng Anh, GĐ Cty ANNA) về hành vi “buôn lậu”.

Vụ nhập lậu thiết bị y tế hết đát bị cơ quan chức năng bắt giữ tại sân bay quốc tế Nội Bài.


Vụ nhập lậu thiết bị y tế hết "đát" bị cơ quan chức năng bắt giữ tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Theo tài liệu điều tra vào cuối năm 2013, ông Phạm Hồng Anh mở tờ khai hải quan nhập khẩu máy phân tích sinh hóa tại Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.Qua kiểm tra đối chiếu giữa tờ khai Hải Quan và hàng hóa thực tế, lượng hải quan phát hiện thấy lô hàng có chứa một máy phân tích sinh hóa Hitachi model 917 (xuất xứ Nhật Bản) và các phụ kiện kèm theo đã qua sử dụng và được “mông” lại tuồn về Việt Nam.

Liên quan đến vụ án này, Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan đã khởi tố vụ án “buôn lậu” thiết bị y tế đã qua sử dụng xảy ra tại Công ty ANNA, chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Tiến hành xác minh, cơ quan chức năng làm rõ từ năm 2007-2012, Công ty ANNA còn nhập khẩu 46 máy phân tích sinh hóa Hitachi model 704, 717, 904, 911, 917 vào Việt Nam qua chi cục hải quan Gia Lâm và Nội Bài, trong đó có tới 38 máy được nhập từ Công ty Fameco của Pháp.

Điều đáng nói, vào tháng 4/2013, Công ty ANNA có đơn gửi Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) xin nhập khẩu các thiết bị y tế, trong đó có máy phân tích sinh hóa Hitachi model 904, 9119, 917 xuất xứ từ Mỹ, Nhật, Pháp, sản xuất năm 2012, 2013 và mới 100%.

Sau đó Cty này được Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cấp giấy phép cho công ty nhập máy như đề nghị. Tuy nhiên trên thực tế, các đời máy phân tích sinh hóa mà công ty xin nhập đều đã dừng sản xuất từ nhiều năm nay.

Bản thân Công ty Fameco là công ty chuyên mua bán các thiết bị y tế đã qua sử dụng và cung cấp các thiết bị xét nghiệm, thí nghiệm y tế được tân trang.

Đưa thiết bị y tế hết “đát” vào các bệnh viện tuyến huyện

Trước đó, ngày 28/7, đoàn công tác liên ngành gồm: Cục CSPCTP về Môi trường; Sở Y tế Hà Nội; Công an huyện Thường Tín, đã tiến hành kiểm tra Bệnh viện Đa khoa Thường Tín và phát hiện sự việc bệnh viện này sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Hitachi 717, series 6312-19 nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Sau đó cơ quan chức năng giám định phát hiện chiếc máy sinh hóa trên nhãn hiệu của Đức nhưng đã bị “cấy” toàn đồ Trung Quốc và Việt Nam.

Vụ nhập lậu thiết bị y tế hết đát bị cơ quan chức năng bắt giữ tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Máy xét nghiệm sinh hóa vỏ Đức, lõi Tàu đưa vào bệnh viện Đa khoa Thường Tín đã bị cơ quan chức năng xử lí.

Bệnh viện Đa khoa Thường Tín lý giải, chiếc máy “mượn” này có vai trò quan trọng trong phục vụ công tác khám chữa bệnh, bởi máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế Hà Nội cấp đang bị hỏng, trục trặc không sử dụng được, quá tải. Để tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán bệnh, bệnh viện buộc phải mượn máy của đối tác bên ngoài.

Cơ quan chức năng xác định theo Hợp đồng, bệnh viện Thường Tín đã mượn máy xét nghiệm sinh hóa tự động nhãn hiệu Hitachi 717 của công ty TNHH Phú Cường An (địa chỉ số 4 ngách 91/50 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội) để phục vụ khám chữa bệnh.

Từ tháng 7/2013 Bệnh viện đa khoa Thường Tín đã chuyển tiền mua hóa chất cho Cty này lên tới 1,2 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài vụ việc xảy ra tại bệnh viện Thường Tín (Hà Nội), hầu hết các máy phân tích sinh hóa được Công ty ANNA nhập về là do các đơn vị khác ủy thác. Sau đó số máy hết “đát” đó sẽ được đưa vào một số cơ sở y tế, bệnh viện khám chữa bệnh tuyến huyện tại một số tỉnh dưới hình thức cho mượn. Thực chất việc làm này là nhằm tiêu thụ hóa chất phục vụ việc xét nghiệm sinh hóa tại các cơ sở y tế khám chữa bệnh.

Cơ quan chức năng xác đinh, tại tỉnh Quảng Nam, Công ty Mỹ Giao lắp đặt một máy Hitachi model 917 cho Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Minh Thiện theo hợp đồng cho mượn máy với các điều kiện buộc phải mua hóa chất do phía cung cấp máy chỉ định.

Tại Bệnh viện đa khoa Tứ Kỳ (Hải Dương) công ty Mỹ Giao cũng tiến hành lắp đặt nhưng sau đó đã phải thu hồi do đơn vị đối tác không đáp ứng được doanh thu...

Theo tài liệu cơ quan điều tra thì Văn phòng đại diện Medigroup Asia Ltd và Công ty Mỹ Giao cho một số cơ sở y tế khác mượn máy xét nghiệm sinh hóa và buộc các các cơ sở này y tế này phải mua hóa chất từ một số công ty nhập khẩu được chỉ định, số hóa chất phải tiêu thụ mỗi tháng từ 2.000-3.000 USD.

Ngoài vấn đề bảo đảm an toàn sức khỏe cho người bệnh thì về vấn đề kinh tế, nếu như mỗi tháng mỗi máy tiêu thụ hết 2.000 USD hóa chất, một năm là 24.000 USD, với 53 máy do Công ty ANNA nhập lậu về sẽ tiêu thụ hơn 1,27 triệu USD tiền hóa chất/năm, tương đương 30 tỉ đồng.

Tuấn Hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm