1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Thí sinh dễ mắc bệnh truyền nhiễm trong mùa thi

Việc thí sinh tập trung ôn và thi ở các thành phố lớn khiến nhiều dịch bệnh có nguy cơ phát triển. Theo tiến sĩ Cao Văn Viên, Phó viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, các bệnh hay gặp là rubella, sốt xuất huyết và nhiễm trùng tiêu hóa.

Kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng thường diễn ra vào đầu tháng 7 hằng năm; nhưng ngay từ đầu tháng 6, sau khi thi tốt nghiệp phổ thông trung học, hàng nghìn thí sinh từ khắp nơi đã đổ về Hà Nội, TPHCM... để ôn luyện và chuẩn bị. Thời tiết nóng ẩm, môi trường ăn ở chật chội, cường độ học tập căng thẳng là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh dịch truyền nhiễm mùa hè bùng phát. Tiến sĩ Viên cho biết, các thí sinh có thể mắc một số bệnh sau:

Sốt phát ban Rubella: Đây là bệnh lây qua đường hô hấp, đang lưu hành trong toàn quốc. Lứa tuổi thường gặp là thanh thiếu niên. Sau thời gian ủ bệnh 1-2 tuần, bệnh nhân sốt nhẹ 1-2 ngày rồi phát ban đỏ khắp mặt, cổ, chân tay. Các triệu chứng hay gặp khác là nổi hạch ở hai bên cổ, mắt đỏ, ho khan. Người bệnh mệt nhọc không thể học tập, làm việc trong 3-5 ngày. Một số biến chứng có thể gặp là viêm não, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm khớp...

Sốt xuất huyết: Đây là bệnh do muỗi truyền, diễn biến trong 7 ngày với triệu chứng sốt, đau cơ, phát ban hoặc xuất huyết. Bệnh có thể gây sốc nếu không được bù dịch đầy đủ. Những năm trước đây đã có những thí sinh bị sốt xuất huyết đúng vào kỳ thi đại học, đành phải bỏ thi sau hàng tháng trời rèn luyện vất vả.

Các bệnh lây qua đường tiêu hóa: Gồm nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, hội chứng lỵ, thương hàn... Những bệnh truyền nhiễm này dễ gặp ở những thí sinh phải ăn “cơm bụi”, đồ ăn nhanh (fast food) ở những hiệu không bảo đảm vệ sinh (nguồn gốc thực phẩm, rau quả bị ôi thiu, để quá lâu ngày lại không được làm sạch sẽ...). Khi mắc bệnh, chắc chắn các em sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng học tập, phải bỏ thi, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là những trường hợp bị bệnh nặng.

Để hạn chế tác hại, khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên như sốt, phát ban, tiêu chảy..., sĩ tử cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu đã xác định đúng là các bệnh truyền nhiễm nêu trên, người bệnh buộc phải nằm điều trị tại các cơ sở y tế và cách ly để tránh lây nhiễm cho những thí sinh khác.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống