1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Theo chân cậu ấm cô chiêu đi chữa bệnh “hưng cảm”

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai: “Các bậc phụ huynh cần sớm phát hiện con em mình nghiện ma túy đá để có biện pháp chữa trị kịp thời”.

Có một căn bệnh “thời thượng” mà nhiều “cậu ấm cô chiêu” hiện nay đang mắc phải, và cũng đang vật vã chữa trị, đó là bệnh “hưng cảm”. Người ta gọi đây là bệnh “quý-xờ-tộc” vì đa phần phải là người có tiền, thậm chí rất nhiều tiền mới dễ mắc. Chúng tôi đã có mặt tại một số trung tâm điều trị và cả cơ sở cai nghiện thì được biết rằng, đây không phải là căn bệnh xa lạ gì …

Trung tâm cai nghiện tự nguyện T.T. (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) một ngày nọ tiếp nhận một bệnh nhân kỳ lạ. Bệnh nhân là một chàng trai trẻ tên Triệu Q., được 4 thanh niên to khỏe “áp tải” vào. Q. luôn miệng: “Các khanh đưa trẫm đi đâu thế này? Ở đây có đủ cao lương mỹ vị phục vụ không? Các nữ tì của trẫm đâu hết cả rồi…?”.

Người nhà của Q. cũng có mặt trong đoàn hộ tống. Chị ta phân trần mà miệng méo xệch: “Các cô các chú ơi cứu cháu nó với. Không hiểu nó đi giao du với bạn bè ở đâu mà giờ hóa thành cái thằng dở người như thế này”.

Sau khi được các bác sĩ động viên, chị ta bình tĩnh kể lại. Q. vốn là một quý tử của một gia đình kinh tế thuộc dạng “khủng” ở phố cổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vốn ngày bé Q. là một đứa trẻ “không ngoan cũng không hư”, đi học về chỉ ở với bà nội. Khi Q. bước vào THPT thì bà mất, Q. chới với không có người dạy dỗ bảo ban nên đánh bạn với một đám học sinh sành điệu nhất trường. Q. được rủ tham gia các cuộc vui, ban đầu chỉ là những buổi sinh nhật, hay party nho nhỏ.

Ở các buổi ăn chơi này, cả nhóm thường dấm dúi nhau những gói bột đá trắng, mà chỉ có những thành viên “VIP” mới được sử dụng. Sau một lễ kết nạp nho nhỏ cùng lời thề: “Quyết không rời nhóm”, Q. lần đầu tiên được biết “đập đá” là thế nào.

Sau vài lần được tham gia các cuộc đập đá thì Q. không thể dứt ra được nữa. Q. trở thành thủ lĩnh đầu trò, có mặt trong mọi cuộc vui của hội. Mỗi tháng bố mẹ Q. chu cấp cả trăm triệu cho cậu ta ăn tiêu. Có tiền, Q. được đám bạn tôn lên làm “King of party” (Vua của bữa tiệc). Cứ thế Q. trượt dài trong cơn lốc của ma túy đá, đến nỗi phải bỏ học. Sau một năm “đập đá”, từ một chàng trai to cao, nhanh nhẹn - được nhiều bạn gái ngưỡng mộ - Q. đã trở thành người lù khù, chậm chạp. Bạn bè cũ không ai còn nhận ra “hoàng tử bạch mã” ngày nào đâu nữa.

Còn bố mẹ của Q. chỉ nhận ra con mình đã trở thành người khác khi Q. xưng “trẫm” với tất cả mọi người. Q. thường xuyên ngồi chễm chệ trên chiếc ghế salon to giữa phòng khách, coi đó là “ngai vàng”; người giúp việc trong nhà đều là những “nô tì” của Q. Không biết con mình nghiện ma túy, bố mẹ Q. tìm đủ mọi cách khuyên bảo, dỗ ngon dỗ ngọt, đưa Q. đi khám bác sĩ nhưng cậu ta không nghe. Q. bảo mình chỉ bị bệnh “hưng cảm” - nghĩa là hưng phấn cảm xúc nhất thời thôi, vài ba hôm là khỏi.

Phải cho tới khi Q. vác “thượng phương bảo kiếm” - là một thanh kiếm sắt không biết cậu ta lôi từ đâu về - đến một khách sạn gần nhà vừa múa vừa reo hò khiến người dân bạt vía thì bố mẹ Q. mới hốt hoảng chạy về. Sau khi nhờ mấy thanh niên to khỏe trói nghiến cu cậu vào, lục phòng ngủ, tủ quần áo… bố mẹ cậu phát hiện thêm 6 thanh kiếm khác nữa. Thế rồi bố của Q. lại nhờ họ “a lô xô” vào “khênh” cậu quý tử đi đến thẳng trại cai nghiện.

Một cậu ấm đang được chữa bệnh “hưng cảm” tại Viện sức khỏe
tâm thần
Một cậu ấm đang được chữa bệnh “hưng cảm” tại Viện sức khỏe tâm thần.

Cùng nhập viện một đợt với Q. có Phương D. (nhà trên phố Hà Trung, Hà Nội). D. cũng thuộc dạng “tiểu thư” lá ngọc cành vàng. Bố mẹ D. chuyên nhập hàng hiệu về bán, phân phối cho nhiều cửa hàng tại Hà Nội nên đi suốt ngày. Trong nhóm của Q., D. được tôn làm “Queen of night” (Nữ hoàng bóng đêm) không chỉ bởi dung nhan chim sa cá lặn cùng đồ hiệu tân thời nhất mà còn vì thành tích đập đá xuyên 3 ngày 3 đêm không ăn không ngủ.

Vì sợ xấu hổ với xóm làng, nên có ai hỏi thì bố mẹ D. cũng chỉ nói là con mình bị bệnh… “hưng cảm”. Họ còn tự mua thuốc về cho D. uống. Chỉ đến khi D. đêm nào cũng lảm nhảm, réo tên bố mẹ lên chửi; ban ngày thì hú hét múa may như người động kinh thì bố mẹ D. mới đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị.

Bác sĩ đang thăm khám cho một “cô chiêu” tại Bệnh viện tâm
thần Hà Nội.
Bác sĩ đang thăm khám cho một “cô chiêu” tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội.

Bác sĩ Lưu Thành Long - người có hàng chục năm điều trị cho các con nghiện tại Trung tâm cai nghiện Bạch Đằng cho biết, “hưng cảm” hay “trầm cảm” là những biểu hiện của bệnh tâm thần do lạm dụng chất gây nghiện, ma túy đá. Tùy vào cơ địa cụ thể mỗi người, sau khi sử dụng ma túy đá người nghiện sẽ có những cơn trầm cảm, hưng cảm bất thường. Người trầm cảm thì hay ngồi ủ rũ một mình, sợ ánh sáng, có thể lẩm bẩm hàng giờ đồng hồ… Người hưng cảm thì chạy nhảy, làm những việc bình thường không ai dám làm.

Theo Hoa Sơn

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm