1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thêm cơ sở điều trị iốt phóng xạ cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp

(Dân trí) - Bệnh nhân ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật nếu có chỉ định uống iốt phóng xạ sẽ được điều trị ngay tại Bệnh viện K, thay vì chuyển sang cơ sở khác như trước đây, được nằm phòng cách ly trong thời gian đợi đào thải chất phóng xạ.

Chia sẻ tại lễ khai trương khu điều trị I-131 sáng ngày 21/11, TS.BS Nguyễn Tiến Quang, PGĐ Bệnh viện K Trung ương cho biết ung thư hiện nay trở thành gánh nặng với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo và đang phát triển. Hiện Việt Nam có 300.000 bệnh nhân ung thư, mỗi năm có 165.000 ca mắc và 115.000 người tử vong. 

Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân ung thư ngày càng cao, Bệnh viện K đưa vào sử dụng khu điều trị I-131, dược chất phóng xạ. Bệnh viện cũng đưa và sử dụng hệ thống máy chiết tách dược chất phóng xạ hiện đại nhất hiện nay. Đây là hệ thống máy của Đức, Bệnh viện K là bệnh viện đầu tiên đưa vào dùng cho chiết tách dược chất phóng xạ trong điều trị iốt 131.  

Thêm cơ sở điều trị iốt phóng xạ cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp - 1

TS.BS Nguyễn Tiến Quang, PGĐ Bệnh viện K cho biết đây là hệ thống máy hoạt động chia liều tự động và bán tự động đảm bảo chia liều chính xác. 

Ngoài chiết tách I-131, hệ thống máy này có thể giúp chiết tách các dược chất phóng xạ, dung dịch khác như FDG, Tc99MDP… 

“Đây là máy hoạt động chia liều tự động và bán tự động bằng hệ thống máy tính, độ chính xác cao. Điều này không chỉ mà an toàn hơn cho nhân viên y tế trong quá trình thao tác mà còn giúp tránh được các sự cố về bức xạ, nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân”, TS Quang nhấn mạnh. 

I-131 là dược chất phóng xạ được dùng trong điều trị bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, đã được phẫu thuật cắt giáp toàn bộ. Trước đây bệnh nhân sau khi phẫu thuật xong sẽ được Bệnh viện giới thiệu sang các cơ sở y tế khác để uống iốt phóng xạ. 

Vì thế, việc khai trương khu điều trị I-131 sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho bệnh nhân và người nhà. 

PGS.TS Ngô Thanh Tùng, Trưởng khoa Xạ đầu cổ, phụ trách Trung tâm Y học hạt nhân, Bệnh viện K cho biết một tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân ung thư tuyến giáp sẽ được chuyển vào khoa Y học hạt nhân để bác sĩ thăm khám, tư vấn và thực hiện một số chỉ định khác để đánh giá tình trạng suy giáp, bilan trước khi điều trị iốt phóng xạ. 

Thêm cơ sở điều trị iốt phóng xạ cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp - 2

Dược chất phóng xạ được tách chiết bằng máy tính đảm bảo tính chính xác về liều lượng cho từng bệnh nhân. 

Khu điều trị I-131 gồm 10 phòng bệnh đảm bảo cách ly tuyệt đối bệnh nhân trong thời gian uống thuốc đợi đào thải chất phóng xạ. Người nhà bệnh nhân không được vào, mọi chăm sóc ăn uống đều được nhân viên y tế hỗ trợ. Theo PGS Tùng đến nay đã có 60 bệnh nhân đăng ký uống iốt phóng xạ. 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng lưu ý Bệnh viện trong quá trình vận hành hệ thống máy cần giám sát, theo dõi để đảm bảo an toàn cho người bệnh, thầy thuốc và môi trường. 

Hiện nay tại Hà Nội có khoảng 5-6 cơ sở y tế triển khai điều trị bằng iốt 131 cho bệnh nhân. 

Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm ở giữa cổ, gồm 2 thùy nối với nhau qua eo giáp trạng, có chức năng tiết ra hormone giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển. Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp ở vùng đầu, mặt, cổ ở cả nam và nữ giới. 

Phụ nữ bị ung thư tuyến giáp nhiều gấp 3 lần nam giới. Ung thư tuyến giáp có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào. Phụ nữ hay mắc bệnh ở độ tuổi 45-49, trong khi nam giới là 65-69. 

Nếu có một trong những biểu hiện dưới đây bạn nên nghĩ đến ung thư tuyến giáp và đi khám sớm: phát hiện thấy một khối u ở cổ hoặc thấy cổ to ra, đau ở vùng trước cổ, khàn tiếng hoặc thay đổi giọng nói kéo dài, khó thở hoặc ho kéo dài. Bạn nên tự khám cổ của mình hai lần trong một năm để xem có khối u nào ở cổ không.

Ung thư tuyến giáp được chia làm 4 giai đoạn 1-4. Phương pháp điều trị phụ thuộc chủ yếu vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, tuổi và tình trạng sức khỏe của người bệnh như phẫu thuật, iốt phóng xạ, điều trị hormone, xạ trị từ bên ngoài, hóa chất, điều trị trúng đích.

Tùy theo từng loại giải phẫu bệnh của ung thư tuyến giáp mà có các phương pháp điều trị thích hợp. Phẫu thuật có vai trò quyết định trong khi tia xạ (điều trị bằng iốt 131) có tác dụng hỗ trợ và hóa chất có tác dụng rất hạn chế. 

Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp là một trong những dạng ung thư dễ chữa trị thành công nhất, cơ hội sống trên 5 năm cho các bệnh nhân là gần 100%.

Sử dụng iốt có thể giảm được tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể nang. Bên cạnh đó để phòng bệnh cần tránh tia xạ vùng tuyến giáp ở trẻ nhỏ cũng như tránh tiếp xúc trực tiếp với các nguồn xạ như các chất phóng xạ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm