“Thật” hơn thuốc thật

Trong một thế giới đầy rẫy đồ lậu: từ đĩa DVD đến thuốc lá ngoại, rồi quần áo dán mác “hàng hiệu” thì thuốc giả – một công đoạn sản xuất tinh vi nhất – đang nổi lên như một tệ nạn đáng lo ngại hơn cả.

May mà... chưa ai chết!

 

Bác sĩ M. tuần tự ngày qua ngày chích thuốc cho các bệnh nhân mắc bệnh đường tim mạch. Đã 6 tháng nay, ông làm công việc thầm lặng này và các con bệnh của ông hồi phục sức khỏe thấy rõ.

 

Nhưng một hôm ngẫu nhiên vào một trang web của châu Âu, ông đã tái dại người phát hiện thấy loại thuốc K. do một hãng Hungary sản xuất mà ông thường chích vào mạch máu những người “dễ lên máu” nhất lại chính là… thuốc bị làm nhái nhiều nhất để bán đi khắp thế giới.

 

M. chắp tay cảm ơn số phận vì thuốc giả này giống hệt thuốc thật và không làm hại đến sức khỏe ai. “Nếu không thì đã xảy ra bi kịch. May mà… chưa ai chết”, - M. lau mồ hôi thốt lên như vậy. Và quả là thần may mắn còn mỉm cười với vị thầy thuốc đáng kính.

 

Các chuyên gia ngành công nghiệp dược phẩm và Tổ chức Y tế thế giới WHO đã cảnh báo có đến 25% số thuốc bán trên thị trường các nước đang phát triển là thuốc giả. Và điều đáng báo động là cái “giả” thời nay đạt trình độ “thật” đến mức không có thiết bị chuyên dụng thì không thể phân định nổi.

 

Dược sĩ Phạm Thanh Vân, Tổng Thư ký Hội Dược học TPHCM đã minh chứng điều này qua ví dụ 2 mẫu thuốc Viagra chữa chứng rối loạn cương mà ông thu lượm được: Hai mẫu này chỉ khác nhau duy nhất về độ đảo màu của tem nhập khẩu. Thông thường người tiêu dùng sẽ chọn loại đảo màu tốt hơn để mua vì coi đó là hàng thật, hàng “chính hãng”, song trong trường hợp này họ đã nhầm khi đó là hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Và nếu được mục kích tại chỗ có lẽ các chuyên gia của Hãng “Pfizer” chuyên sản xuất các viên thuốc màu xanh da trời lừng danh cũng phải lắc đầu chào thua: “Giả” gì mà cả về hình thức lẫn tác động đến cơ thể còn “thật” hơn cả hàng thật…! Rõ ràng, công nghệ làm thuốc giả hiện nay đã “hội nhập” với “thế giới phẳng” còn nhanh hơn nhiều ngành sản xuất đòi hỏi hàm lượng chất xám cao.

 

Có thật thuốc giả chỉ chiếm 0,09% thị trường?

 

Theo báo cáo của Cục Quản lý dược Việt Nam, hiện nay Hà Nội là địa bàn có tỷ lệ thuốc giả cao nhất nước: Năm 2003, tỷ lệ thuốc giả tại đây là 0,245% trong khi mức “giả” trung bình cả nước là 0,06%. Đến năm 2005, tỷ lệ trên tăng lên 0,3% trong khi mức trung bình cả nước là 0,09%. Con số quá ư khiêm tốn này được khẳng định khi cơ quan điều tra từ năm 2005 đến nay chỉ phát hiện và xử lý có 15 vụ sản xuất và kinh doanh thuốc giả, đa phần là các biệt dược ngoại nhập đắt tiền (như Theralene, Levitra, Dogmatil, Clamoxyl, Postinor 2...).

 

Nhận xét về con số này, một chuyên gia dược học cho rằng “đây giống như muối bỏ biển” vì hiện giờ hầu hết các loại thuốc giả đều có mẫu mã “bắt mắt” như hàng thật do được in ấn bằng công nghệ cao. Và điều đáng nói trong vấn nạn thuốc giả là hàng nhái đang thực sự nổi lên như vấn đề đáng lo ngại nhất vì thực chất đây là sự vi phạm luật sở hữu trí tuệ mà nước ta cam kết thực hiện khi gia nhập WTO.

 

Vừa qua, chỉ có một số ít thông tin về hàng nhái “rò rỉ” ra ngoài như thuốc viên Panadol trị cảm, nhức đầu do Công ty SmithKline Beechamp nhượng quyền sản xuất cho liên doanh Sanofi Synthelabo VN đã bị làm nhái dưới tên Pancidol do Công ty cổ phần Dược phẩm Trà Vinh sản xuất. Rồi vụ viên Decolgen của United Phrma VN đã biến thành Dehanogen của Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Nội với cùng công thức bào chế và hình thức trình bày vỉ 20 viên như nhau.

 

Giống như các lĩnh vực khác như điện tử – tin học, người mua khó nhận biết cơ sở sản xuất nào được nhượng quyền sản xuất và ai “nhái” ai? Thuốc bổ Homtamin mới được quảng cáo ì xèo thì tức khắc đã có ngay Liptamin – cũng hộp màu vàng nâu chứa 60 viên nang mềm y chang nhau. Rồi còn vô khối tên thuốc khác chắc chắn là thuốc nội giả ngoại vẫn có số đăng ký do Bộ Y tế cấp được in trang trọng trên bao bì.

 

Làm giả thuốc khác hoàn toàn việc sản xuất ra loại thuốc cùng loại giá rẻ. Trong một thế giới phân hóa rõ rệt, các nước nghèo do điều kiện kinh tế đã bắt buộc phải sản xuất các loại thuốc phục vụ nhu cầu sức khỏe cộng đồng mà không trả tiền bản quyền cho các đại gia dược phẩm thế giới. Đó là điều có thể chấp nhận như việc sản xuất thuốc chống HIV/AIDS hay thuốc chống dịch cúm gia cầm. Nhưng làm giả thuốc vì mục đích trục lợi thì lại là chuyện không thể chấp nhận.

 

* Trong năm 2005-2006, thuốc giả không chỉ được lưu hành và sử dụng ở thị trường tự do, hoặc ở vùng sâu, vùng xa, mà đã thâm nhập vào trong một số cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến trung ương, bệnh viện quân đội và các bệnh viện lớn ở các thành phố (điển hình là vụ Công ty TNHH Anh Ngọc đã sản xuất và đóng gói nhiều loại thuốc tiêm, thuốc viên nhãn ghi nhiều nhà sản xuất khác nhau như Postinor 2 của Hungary, Acetaphen của Thái Lan, Cfuroxim của Đức, Neotil và Trozime của Hàn Quốc…)

 

* Việc nhập lậu thuốc qua biên giới rất phức tạp, không được kiểm soát đầy đủ. Mặc dù hải quan thông báo chưa phát hiện được vụ thuốc giả nào được nhập khẩu, nhưng thực tế cho thấy thuốc giả chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài, được nhập lậu vào VN. Theo đánh giá của Công an Hà Nội, số lượng thuốc giả, thuốc nhập lậu đang trôi nổi trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc hiện nay là rất lớn, đặc biệt là các thị trường đầu mối như Hà Nội và TPHCM.

 

(Nguồn: Bộ Y tế)

 

Theo Bích An – Kim Liên

Sài Gòn giải phóng