Thanh tra xã, phường có quyền xử phạt an toàn thực phẩm

(Dân trí) - Nếu như trước đây, việc xử phạt tiền liên quan tới lĩnh vực an toàn thực phẩm phải nộp về ngân sách Nhà nước, song theo quy định mới khoản tiền này được giữ lại tại địa phương và thanh tra xã, phường có quyền xử phạt về ATTP thay thanh tra 3 Bộ

Đây là một trong những nội dung sẽ được thí điểm đầu tiên từ ngày 15/11 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mỗi nơi sẽ chọn 5 đơn vị hành chính cấp quận, 10 đơn vị hành chính cấp phường thuộc đơn vị hành chính cấp quận đã chọn để thí điểm mô hình này.


Nay việc thanh tra an toàn thực phẩm sẽ được thực hiện đến xã, phường và thanh tra có quyền xử phạt.

Nay việc thanh tra an toàn thực phẩm sẽ được thực hiện đến xã, phường và thanh tra có quyền xử phạt.

Tại Hội nghị phổ biến quyết định số 38/QĐ-CP về thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/10, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, tình hình an toàn thực phẩm trong cả nước nói chung hiện đang có diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự quản lý sâu rộng từ cấp cơ sở.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực thanh kiểm tra hiện lực lượng thanh tra quá mỏng, không đáp ứng được việc thanh kiểm tra toàn diện về ATTP. Hiện tại, việc thanh tra mới được tiến hành ở phạm vi cấp tỉnh, thành phố, trong đó cấp xã, phường còn bỏ ngỏ. Vì thế, Chính phủ đã đưa ra cơ chế đặc thù nhằm kịp thời nhằm quản lý tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ cơ sở.

Theo đó, 3 Bộ giao quyền cho một thanh tra xã/phường có thể xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm trong cả 3 lĩnh vực: y tế, nông nghiệp và công thương. Những cán bộ này có quyền xử phạt ngay, được thành lập đoàn thanh kiểm tra, thậm chí tiến hành thanh kiểm tra độc lập ngay trên địa bàn. Toàn bộ 100% số tiền xử phạt sẽ được giữ lại tại địa phương.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc này sẽ tạo nhiều thuận lợi, tháo gỡ thút nắt chồng chéo trong quản lý hiện nay. Tuy nhiên, có người lo ngại việc để địa phương giữ lại 100% tiền phạt có thể khiến họ lạm dụng, làm khó doanh nghiệp.

Theo đại diện Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khi đã cho cơ chế thanh tra xã, phường có quyền xử phạt và ngân sách nộp về địa phương thì đòi hỏi việc quản lý nhân lực tốt, tránh việc cán bộ thanh tra lạm dụng chức năng quyền hạn gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Thêm một khó khăn khi thực hiện mô hình này, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đó là tuy triển khai thanh tra ở cấp xã, phường nhưng Quyết định lại không cho phép cơ sở tăng biên chế mà dựa trên cán bộ có sẵn để kiêm nghiệm nhằm thực hiện nhiệm vụ.

"Khi đó đặt ra vấn đề ai sẽ là người quản lý, phân công nhiệm vụ cho các tổ thanh tra, kiểm tra cấp cơ sở. Đó còn chưa kể sẽ gặp vấn đề chồng chéo trong nhiệm vụ công tác khi một người vừa phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên vừa phải thực hiện công tác thanh tra an toàn thực phẩm tại cơ sở", ông Hạnh nêu.

Nói về nguy cơ này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, một mình thanh tra viên sẽ không “làm khó” được doanh nghiệp bởi không phải cá nhân thanh tra cứ thích là được đi thanh, kiểm tra. Mà việc lạp đoàn kiểm tra, đi kiểm tra đều phải có quyết định của chính quyền sở tại.

Tại Hà Nội, từ 15/110 sẽ có 10 phường xã và 5 quận huyện tham gia thí điểm gồm: phường Quán Thánh, phường Thành Công - quận Ba Đình; phường Phương Liệt, phường Láng Hạ - quận Đống Đa; phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 - quận Nam Từ Liêm; xã Uy Nỗ, xã Kim Chung - huyện Đông Anh; thị trấn Thường Tín và xã Tô Hiệu - huyện Thường Tín.

Theo dự kiến, tại mỗi xã, phường sẽ có 5 cán bộ thanh tra chuyên ngành về ATTP (là viên chức trạm y tế, nông nghiệp, thú y) và mỗi quận, huyện có 8 cán bộ được điều động sang công tác này (là công chức, viên chức các Phòng Y tế, Kinh tế, Nông nghiệp). Tất cả đều là nguồn cán bộ tại chỗ, không tăng biên chế

Còn tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Sở Y tế cho biết đã đã tiến hành đào tạo bài bản cho 38 người, tuy nhiên vì nghiệp vụ còn hạn chế nên vẫn còn cần tiếp tục đào tạo để chuẩn hóa thành viên đoàn tham gia.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn trong lần thí điểm này, các đơn vị sẽ triển khai quyết liệt và phải có chuyển biến. “Nếu dân vẫn còn phàn nàn về an toàn thực phẩm thì không được", Thứ trưởng Long nói.

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm cả nước có trên 20.000 đoàn thanh kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt là hơn 24 tỷ đồng, số cơ sở vi phạm chiếm tỷ lệ hơn 22%.

Việc xử lý vi phạm nhiều nơi còn chưa kiên quyết, tại tuyến xã hầu hết không xử phạt mà chủ yếu là nhắc nhở vì chưa có cơ chế. Số cơ sở vi phạm nhưng chỉ bị nhắc nhở chiếm đến hơn 83% (với gần 65.000 cơ sở). Trong số hơn 12.000 cơ sở vi phạm bị xử lý thì vẫn còn một nửa là phạt cảnh báo, phạt tiền gần 7.000 đơn vị. Trong đó đình chỉ gần 700 cơ sở, hơn 4.000 loại sản phẩm bị tiêu hủy.

Tú Anh