Thanh niên ở TPHCM tá hỏa vì mũi một tiêm AstraZeneca, mũi 2 tiêm Vero Cell

Hoàng Lê

(Dân trí) - Phát hiện mình bị tiêm sai loại vaccine Covid-19 mũi 2, nam thanh niên đến trạm y tế địa phương để phản ánh thì được cho biết "không sao đâu". Sự việc xảy ra ở phường Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức).

Mũi một tiêm AstraZeneca, mũi 2 Vero Cell

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, anh T.C. (25 tuổi, ngụ TPHCM) đã được tiêm vaccine Covid-19 mũi một vào ngày 9/8, loại AstraZeneca.

Sáng 3/10, anh đến điểm tiêm trường THPT Nguyễn Huệ (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) để tiếp tục tiêm mũi 2 theo tin nhắn mời từ địa phương. Sau khi làm các bước sàng lọc, khoảng 9h30 cùng ngày, anh C. được tiêm vaccine mũi 2, được cấp giấy xác nhận. 

Khi ra cổng chuẩn bị về nhà, anh C. kiểm tra thì tá hỏa phát hiện trên giấy xác nhận tiêm chủng ghi loại vắc xin vừa chích là Vero Cell. Đơn vị tiêm chủng mũi 2 cho nam thanh niên được ghi trên giấy là Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức). 

Cho rằng việc bị tiêm không đúng phác đồ của Bộ Y tế, anh C. trở vào hỏi thì được hướng dẫn qua Trạm y tế phường Long Thạnh Mỹ phản ánh. 

Tiếp nhận thông tin, nhân viên trạm y tế đã báo cáo lên cấp trên. Sau đó, anh được trấn an rằng "không sao đâu" và được cho về nhà. Dù vậy, anh lo lắng việc tiêm sai loại vaccine có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.

Thanh niên ở TPHCM tá hỏa vì mũi một tiêm AstraZeneca, mũi 2 tiêm Vero Cell - 1

Nam thanh niên bị tiêm mũi 2 vắc xin Vero Cell, sau khi tiêm mũi 1 AstraZeneca.

Lãnh đạo địa phương: Đơn vị tiêm chịu trách nhiệm giải quyết

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bà Lê Thị Kim Liên, Chủ tịch phường Long Thạnh Mỹ, xác nhận có sự việc trên xảy ra vào ngày 3/10. Bà Liên cho biết trong hai ngày 3 và 4/10, điểm trường THPT Nguyễn Huệ chỉ tiêm duy nhất một loại vắc xin Vero Cell. Do đó không thể có chuyện ghi nhầm vào phiếu xác nhận tiêm. 

Hiện phường đang cho kiểm tra lại sự việc, tuy nhiên theo lãnh đạo địa phương, thẩm quyền tiêm ở đơn vị hỗ trợ tiêm chủng ngày 3/10 là Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Phường chỉ tổ chức điểm tiêm, lực lượng hỗ trợ, quản lý an ninh trật tự. Phía trước phường cũng có dán thông báo tiêm cụ thể loại thuốc gì.

Theo bà Liên, trách nhiệm của phường là thông báo với người dân, đọc trên loa tiêm thuốc gì tại các điểm tiêm, từ độ tuổi nào đến độ tuổi nào. Còn việc người dân khai như thế nào, quyết định tiêm hay không tiêm, phường đâu xử lý được. Thuốc nào tiêm cho người nào, bao nhiêu tuần… làm sao ai trong cán bộ công chức của phường có thể chịu trách nhiệm - Chủ tịch UBND phường Long Thạnh Mỹ nói.

Cũng theo bà Liên, ngay khi xảy ra sự việc, cán bộ y tế phường đã có giải thích với anh C. Nếu như người tiêm không chấp nhận giải thích, sự việc sẽ do Bệnh viện Lê Văn Thịnh giải quyết.

Phường mời người dân đến tiêm

Tiếp tục liên hệ với Bệnh viện Lê Văn Thịnh, phóng viên được nơi này cho biết, ngày 3/10, Bệnh viện cử đội tiêm gồm 4 nhân viên y tế đến điểm trường THPT Nguyễn Huệ để hỗ trợ tiêm chủng cho phường Long Thạnh Mỹ, số lượng tiêm dự kiến là hơn 600 người.

Đại diện bệnh viện thừa nhận, nhân viên y tế có sơ sót không kiểm tra trước khi tiêm, tuy nhiên việc mời người dân đến tiêm do địa phương thực hiện.

Thanh niên ở TPHCM tá hỏa vì mũi một tiêm AstraZeneca, mũi 2 tiêm Vero Cell - 2

Bảng thông báo trước điểm trường THPT Nguyễn Huệ ngày 4/10 ghi rõ tên loại vắc xin sẽ sử dụng tiêm cho người dân.

Về quy trình sàng lọc, trước điểm tiêm có dán bảng thông báo rất rõ sẽ tiêm loại vaccine Vero Cell trong ngày.

Ngoài ra, sẽ có cán bộ kiểm tra phiếu tiêm chủng mũi một, có người điều phối, gác cổng, gọi tên, tất cả các khâu này đều do phường phụ trách. Do đó, không hiểu vì sao người tiêm lại không biết mà vẫn được vào tiêm.

"Sẽ có trường hợp người dân quên đem giấy xác nhận mũi một hoặc trên phiếu sàng lọc không ghi rõ mũi một tiêm vắc xin gì. Vì số lượng tiêm trong ngày lên đến hàng trăm người nên nhân viên y tế sẽ tập trung chủ yếu cho việc tiêm chủng" - đại diện Bệnh viện giải thích thêm. 

Về hướng xử lý cho người đã tiêm sai loại vắc xin, đơn vị tiêm chủng cho biết trước mắt sẽ theo dõi sát tình hình sức khỏe của anh C. Nếu không có gì bất thường, 18 ngày sau đơn vị tiêm chủng sẽ mời người dân đến tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca để sớm được cấp "thẻ xanh Covid".

Trao đổi với Dân trí, anh T.C. xác nhận mình là người bị tiêm nhầm mũi một  tiêm vắc xin AstraZeneca, nhưng mũi 2 tiêm Vero Cell. Anh C. đang lo lắng cho sức khỏe bản thân. 

Theo Công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 về hướng dẫn tiêm 2 liều vắc xin phòng Covid-19 của Bộ Y tế, những người đã tiêm mũi một với loại vắc xin nào, tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó. 

Trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc xin do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi một bằng vắc xin do AstraZeneca sản xuất (nếu người được tiêm chủng đồng ý), khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần.

Không sử dụng vắc xin do Moderna sản xuất hoặc các vắc xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi một vắc xin AstraZeneca.

Những người đã tiêm mũi một bằng vắc xin do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vắc xin cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Ngày 10/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký văn bản khẩn về việc tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 cho trường hợp đã tiêm mũi một là vaccine Moderna gửi đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc xin Covid-19 không đủ, có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất (nếu mũi một tiêm AstraZeneca).

Nếu tiêm mũi một vắc xin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.