1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thành công với kỹ thuật mới giúp phụ nữ vô sinh được làm mẹ

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia cho biết, 2 ca bệnh đầu tiên ứng dụng phương pháp thông tắc kẽ tử cung thành công, mang đến cơ hội làm mẹ cho nhiều người.

Sáng 6/4 ca bệnh thứ 2 áp dụng phương pháp đó đã được phẫu thuật thành công. Trước đó, trường hợp đầu tiên là của vợ chồng anh Hoàng Anh Châu, chị Nguyễn Thị Loan (Nghệ An) đã vô sinh thứ phát 7 năm nay cũng được phẫu thuật thành công.

Sau thành công của 2 ca phẫu thuật đầu tiên, GS Tiến vui mừng chia sẻ thêm cơ hội để làm mẹ với những người mắc bệnh lý về vòi trứng. Ảnh: H.Hải
Sau thành công của 2 ca phẫu thuật đầu tiên, GS Tiến vui mừng chia sẻ thêm cơ hội để làm mẹ với những người mắc bệnh lý về vòi trứng. Ảnh: H.Hải

Anh chị Loan Châu sinh con đầu từ năm 2009, đến 2012 anh chị muốn sinh thêm một người con nhưng mong mỏi đến nay vẫn chưa đậu thai. Anh chị đã đi khám nhiều nơi, ai mách thuốc gì cũng uống.

Khi khám tại BV Phụ sản Trung ương chị Loan được phát hiện tình trạng hai vòi trứng tắc tịt vùng kẽ tử cung. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân không thể mang thai.

Trước đây, với những trường hợp này, bệnh nhân được nội soi tạo hình vòi tử cung bằng mổ vi phẫu, một số trường hợp nội soi buồng tử cung… là những can thiệp lớn nhưng hiệu quả không thực sự như mong đợi, hơn nữa nguy cơ chít hẹp vòi tử cung lớn. Có những trường hợp soi xong không biết vòi trứng đã thông hoàn toàn chưa hay vẫn tắc, có trường hợp thủng vòi tử cung…

Đặc biệt khi bị tắc đoạn kẽ tử cung hầu hết các bác sĩ chỉ định duy nhất thụ tinh ống nghiệm người bệnh mới có cơ hội làm mẹ, bởi can thiệp khó. Nhưng thực tế, nhiều bệnh nhân có khó khăn về kinh tế, sau khi bác sĩ có chỉ định thụ tinh 5 – 10 năm xong mới chuẩn bị được kinh phí làm ống nghiệm, dẫn đến nhiều trường hợp buồng trứng đã giai đoạn suy, không kích thích để lấy noãn được nữa.

Nong vòi tử cung bằng catheter qua soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng là kỹ thuật hiện đại đầu tiên được GS.TS Nguyễn Viết Tiến áp dụng tại Việt Nam, với 2 ca bệnh đầu tiên thành công.

Cả hai ca bệnh đều thông được vùng tắc kẽ. Đặc biệt với trường hợp của chị Loan, sau mổ nong đoạn tắc kẽ cả hai vòi trứng đều đã thông, chắc chắn bệnh nhân sẽ có thai tự nhiên mà không phải can thiệp gì.

Hình ảnh vòi trứng bị tắc dưới hình ảnh chụp X - quang có cản quang. Ảnh: H.Hải
Hình ảnh vòi trứng bị tắc dưới hình ảnh chụp X - quang có cản quang. Ảnh: H.Hải
Vòi trứng được thông hoàn toàn sau khi can thiệp. Ảnh: H.Hải
Vòi trứng được thông hoàn toàn sau khi can thiệp. Ảnh: H.Hải

GS Tiến cho biết, tại Việt Nam qua nghiên cứu tại 8 vùng sinh thái, tỉ lệ vô sinh là 7,7% những người mong muốn có con mà không thể có thai được.

Trong đó hơn 50% là do nữ, phần còn lại do nam. Vô sinh nữ hơn 1 nửa nguyên nhân vô sinh do vòi tử cung, 15% là tắc kẽ tử cung. Số lượng không phải là ít.

Trong suốt 10 năm qua, trên thực tế khám chữa bệnh cho bệnh nhân, GS Tiến ấp ủ đưa kĩ thuật này vào để chữa vô sinh, giúp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn không thể làm thụ tinh ống nghiệm. Ngay cả người có điều kiện kinh tế, giải quyết được bằng phương pháp này để mang thai tự nhiên cũng mang lại nhiều lợi ích hơn thụ tinh ống nghiệm.

“Đây là một sáng tạo về kỹ thuật, khoa học, soi buồng tử cung kết hợp nội soi ổ bụng lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Đáng nói, đây là một kĩ thuật có thể chuyển giao cho tuyến tỉnh, với những bác sĩ vững tay về nội soi.

Vì thế trước mắt, phương pháp này tiếp được được hoàn thiện thật chỉnh và sẽ chuyển giao ra các tuyến tỉnh. Hi vọng thời gian tới kỹ thuật này giúp ích được cho bệnh nhân vô sinh hiếm muộn do tắc kẽ vòi tử cung.

Chi phí điều trị bằng kỹ thuật này giống như phẫu thuật nội soi thông thường. Tuy nhiên, GS Tiến cũng mong muốn nên có bảo hiểm y tế cho người điều trị vô sinh hiếm muộn. Bởi có con là thiên chức, là niềm mong mỏi của bất cứ bà mẹ nào, thậm chí người ta có thể đánh đổi cả sự sống để lại thế hệ sau giọt máu của mình. Có con là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Trong khi đó, chữa vô sinh tại Việt Nam, kể cả từ chi phí xét nghiệm liên quan đều chưa được thanh toán.

Tại nhiều nước châu Âu, châu Mỹ đều có bảo hiểm y tế chi trả cho chữa vô sinh. Có những nước tiền BHYT thanh toán cho khoảng 3 - 4 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm. Sau chu kỳ này không thành công, muốn thực hiện tiếp người bệnh mới phải tự bỏ chi phí điều trị.

GS Tiến hi vọng thời gian tới, khi mệnh giá thẻ BHYT cao hơn sẽ có được nguồn ngân quỹ dành cho khám chữa hiếm muộn, vô sinh.

Hồng Hải