Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội:

“Thẩm mỹ viện hoạt động rành rành mà không phép, rõ ràng có vấn đề”

(Dân trí) - “Sự việc ở thẩm mỹ viện xảy ra mà cơ quan quản lý nhà nước bảo không biết là không đúng. Chưa nói đến quy định trách nhiệm, về góc độ quản lý nhà nước, một cơ sở trên địa bàn hoạt động rành rành mà không được cấp phép, rõ ràng có vấn đề…”.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nói về vụ bác sĩ làm chết người, vứt xác khách hàng xuống sông Hồng để phi tang.

Đã có rất nhiều bình luận, nhiều từ ngữ với đủ độ đau xót mà nhiều người dùng để nói về vụ bác sĩ vứt xác khách hàng tại thẩm mỹ viện Cát Tường 2 ngày qua. Sự việc đặt ra nhiều vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, kiểm soát hoạt động làm thêm, kinh doanh thêm của bác sĩ cũng như các cơ sở y tế tư nhân?

Nói đến câu chuyện quản lý nhà nước và quản lý tại các bệnh viện, qua sự việc này phải tăng cường công tác quản lý. Các địa phương, các Sở đều phải tăng cường quản lý. Nguyên tắc, các cơ sở y tế tư, phòng khám tư, bệnh viện tư trên địa bàn, cơ quan quản lý nhà nước phải nắm được, phải thường xuyên thẩm tra. Anh nào không có phép thì phải đình ngay hoạt động, thậm chí có phép rồi nhưng vi phạm, gây ra sự cố cũng phải dừng ngay hoạt động.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai

Nhưng rõ ràng, trong vụ việc này, thẩm mỹ viện Cát Tường đã hoạt động “chui” 6 tháng, có rất nhiều khách mà lúc xảy ra việc, Sở Y tế mới nói cơ sở chưa được cấp phép. Còn phía bệnh viện – cơ quan chủ quản của vị bác sĩ vô lương - cũng thanh minh không biết nhân viên của mình mở phòng khám gần sát ngay bệnh viện?

Đối với các bệnh viện, vấn đề đặt ra là phải quản lý cán bộ công nhân viên chặt chẽ hơn và sau nữa theo tôi phải có quy định bác sĩ ra làm ngoài, làm tư, dù cho phép nhưng bệnh viện, cơ quan chủ quản phải biết được là ngoài công việc chính, ngoài giờ hành chính người đó có 1 phòng khám tư bên ngoài. Việc này trước hết để tránh hiện tượng mà dư luận đã nói lâu nay là bác sĩ câu kết, đưa bệnh nhân trong bệnh viện ra phòng khám bên ngoài của mình. Mà những sự cố xảy ra tại phòng khám bên ngoài như thế cũng gây ra những vấn đề không hay cho bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường thực tế đã làm ngoài cả chuyên môn của mình khi được đào tạo về chấn thương chỉnh hình nhưng lại đi làm phẫu thuật thẩm mỹ. Ngay cả việc này bệnh viện cũng không nắm được. Rõ ràng có lỗ hổng trong các cơ chế kiểm soát?

Vì thế nên giờ phải quay lại vấn đề giám sát. Cơ quan cấp phép làm căn cứ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mà bộ Y tế đã hướng dẫn. Còn bây giờ phải rà soát lại, nếu việc này vượt quá chuyên môn của người ta thì cần khoanh vùng lại.

Thẩm mỹ viện mở ngay cạnh bệnh viện, cùng cả dãy cơ sở thẩm mỹ, phòng khám tư khác tại khu vực đường Giải Phóng, rất nhiều trong số đó của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai mà bệnh viện không nắm được. Thẩm mỹ viện cũng lập trang web, quản cáo trên báo chí về hoạt động của mình mà Sở Y tế cũng không hay. Người dân có quyền đặt vấn đề nghi ngờ không phải thanh tra bệnh viện, thanh tra Sở không biết mà có việc làm lơ, lắt léo ở đây?

Giờ sự việc xảy ra như thế mà các cơ quan quản lý nhà nước bảo không biết thì rõ ràng không đúng vì những vấn đề của ngành trên địa bàn nhất thiết phải quản lý. Còn nếu có cơ sở nào không được cấp phép vẫn tồn tại hoạt động thì dù biết hay không biết vẫn thuộc về trách nhiệm quản lý nhà nước. Điều đó phải nói rõ ràng như thế.

Chưa nói đến quy định trách nhiệm nhưng về góc độ quản lý nhà nước, một sơ sở trên địa bàn của mình hoạt động rành rành mà không được cấp phép, rõ ràng có vấn đề.

Sau những vụ việc xảy ra với ngành, khi giám sát tối cao về lĩnh vực này vừa qua, chúng tôi luôn nói, vấn đề quản lý đối với ngành y tế luôn phải được đặt lên hàng đầu. Còn quản lý nhà nước mà chỉ tập trung hoạt động chuyên môn, không đầu tư công tác thanh kiểm tra sẽ dễ để xảy ra các sự cố rất đáng tiếc.

Như bà nói, dễ thấy là công tác quản lý, thanh kiểm tra có lỗi, có thể đặt vấn đề quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan thanh tra, quản lý này không? Nhiều người cho rằng, từ trước đến giờ, chưa có vị Chánh Thanh tra hay Giám đốc Sở Y tế nào bị kỷ luật, cách chức, điều chuyển công tác hoặc buộc thôi việc… do không làm tròn trách nhiệm nên chưa tạo ra sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt?

Theo tôi, khi sự việc nghiêm trọng như này xảy ra, phải xem lại toàn bộ các quy trình, quy định liên quan đến vấn đề chịu trách nhiệm. Còn thực tế hiện nay, trong công tác quản lý nhà nước, khi để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng cũng không phải chưa bao giờ chúng ta quy trách nhiệm với các hình thức kỷ luật khác nhau. Cũng đã có những trường hợp người đứng đầu bị cách chức, hạ chức, buộc thôi việc chúng ta từng làm trong toàn hệ thống nói chung chứ không chỉ ngành y tế.

Bên cạnh việc khắc phục hậu quả sau vụ việc, một lần nữa, câu chuyện y đức lại được đặt ra. Vấn đề thuộc lĩnh vực giám sát của UB Các vấn đề xã hội, lãnh đạo UB có lên lịch, đề xuất về 1 cuộc giám sát tối cao về nội dung này?

Về vấn đề giám sát, Bộ Y tế phải kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến y đức. Bộ phải mạnh tay hơn, các địa phương cũng phải thắt chặt hơn việc kiểm tra hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn này. Làm được vậy mới đưa đến việc đặt y đức lên cao. Còn không làm công tác này thường xuyên, chặt chẽ thì cứ 1-2 tháng lại rộ lên một việc như này, phải nói là dư luận sẽ thiếu niềm tin.

UB Các vấn đề xã hội trong quá trình làm việc với Bộ trưởng Y tế về việc thực hiện lời hứa khi chất vấn tại Quốc hội vừa qua cũng đã yêu cầu Bộ trưởng phải làm tích cực hơn, phải có hoạt động thanh kiểm tra sát sao mạnh mẽ hơn, phải tạo nên sự thống nhất quan điểm chứ cứ để lâu lâu lại nổi lên một vụ việc như này, thì thực sự, dù là ít nhưng không thể chấp nhận được.

Những vụ việc sai phạm, tiêu cực trong ngành liên tiếp xảy ra như bà đề cập, với mức độ nghiêm trọng qua mỗi vụ lại tăng thêm khiến bức xúc trong dư luận lại cồn lên và chính điều đó làm xám đi bức tranh chung của ngành y tế?

Tôi cũng đã nói với lãnh đạo ngành nhiều lần là xã hội rất chia sẻ những nỗ lực của ngành. Cả ngành có hàng trăm chục ngàn cán bộ y bác sĩ rất tâm huyết, cũng muốn hết lòng tập trung trị bệnh cứu người. Hàng trăm triệu ca bệnh được cứu chữa mỗi năm (chỉ riêng hoạt động khám chữa bệnh bằng BHYT đã khoảng 100 triệu ca bệnh/năm). Nhưng chỉ cần để xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng như này đã làm ảnh hưởng tồi tệ đến hình ảnh của ngành y tế, làm giảm sự tin cậy, giảm lòng tin của người dân. Vì vậy cần phải tăng cường để lấy lại sự tin cậy, lòng tin của nhân dân với ngành.

Xin cảm ơn bà!
 

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai
Phó GĐ Sở Y tế TPHCM Phạm Khánh Phong Lan: “Bác sĩ muốn ra ngoài làm thêm phải được bệnh viện đồng ý”

Tôi chấn động trước thông tin về vụ việc. Tôi cũng rất bàng hoàng, sửng sốt không biết phải nói thế nào. Chuyện xảy ra, ngay cả với "xã hội đen" cũng là bất ngờ huống chi là với một bác sĩ. Điều này rất đau xót. Dù là lý do nào thì đó cũng là một việc làm không thể chấp nhận được đối với những người làm ngành y hay với bất cứ công dân nào.

Bất cứ bác sĩ nào khi ra ngoài làm thêm phải có sự đồng ý của cơ quan chủ quản vì trong hồ sơ xin cấp phép đều yêu cầu nội dung này. Vấn đề bác sĩ này đã hành nghề “lậu”.

Trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, quy định siết rất chặt trong khâu cấp phép. Nhiều cơ sở thẩm mỹ tại TPHCM hay than thở là việc cấp phép lâu quá, nhưng đó là vì Sở phải lật lại hồ sơ xem bác sĩ đã qua bao nhiêu ca, bằng cấp nơi nào cấp… Nhưng đó mới chỉ là tiền kiểm thôi, còn hậu kiểm mới quan trọng. Cho nên ở đây không thể chối bỏ trách nhiệm quản lý ngành.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Không có sự đồng lõa, sao dám làm điều tồi tệ như vậy?

 

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Không có sự đồng lõa, sao dám làm điều tồi tệ như vậy?

Người ta nói về y đức của người bác sĩ. Một bác sĩ có thể do sự kém cỏi về kỹ thuật gây nên cái chết của bệnh nhân. Nhưng ứng xử, xử lý tình huống rủi ro xảy đến mức thành một vụ án hình sự thì ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Bởi, ông ấy vẫn đang là bác sĩ của một cơ sở y tế đầu ngành lớn của nhà nước.

Tâm trạng không phải riêng tôi mà mọi người là bất ổn. Không biết tin vào ai. Đến bệnh viện có thể có thương hiệu rất lớn, nhiều bác sĩ có phẩm hàm, nhưng bản thân mình giờ cũng phải đặt câu hỏi có đáng tin không?

Điều tôi quan tâm nhất là hệ thống chính quyền ở cơ sở. Chưa khi nào chúng ta có bộ máy dày đặc như thế, đông đảo như thế, nhiều quyền năng như thế mà để cho trên địa bàn có một cơ sở kinh doanh mà hầu như họ làm gì không biết. Người dân có thể biết về cái sự gọi là bảo kê, trách nhiệm thấp. Nhưng có lẽ hơn cả là sự đồng lõa - môi trường cho phép người ta dám làm một điều tồi tệ như vậy.

P.Thảo (ghi)