Té trong nhà tắm, bé trai suýt mất cánh tay

(Dân trí) - Trượt chân trong lúc đang tắm, cậu bé bị viên gạch men vỡ cắt gần đứt lìa cổ tay phải. Các bác sĩ đã nỗ lực thực hiện vi phẫu kết hợp chăm sóc tích cực, giúp bệnh nhi không chỉ bảo tồn nguyên vẹn cánh tay mà con giữ được chức năng vận động.

Tai nạn thương tâm trên xảy đến với cậu bé H.N.H.D. (6 tuổi, ngụ Long An). Được biết, trước khi nhập viện cấp cứu, cháu đang tắm thì bị trượt chân, té vào viên gạch men bị vỡ trong nhà tắm. Cha mẹ cháu đã chết lặng khi thấy tay phải của con bị mảnh gạch men vỡ ghim vào, cắt gần lìa cổ tay, máu chảy thành dòng, sau khi băng vết thương bé được chuyển đến bệnh viện.

Té trong nhà tắm, bé trai suýt mất cánh tay - 1

Cổ tay phải của bệnh nhi bị gạch vỡ cắt gần đứt lìa được bác sĩ thực hiện vi phẫu nối lại

Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, kết quả chẩn đoán hình ảnh ghi nhận, bệnh nhi bị đứt gần như toàn bộ gân ở cổ tay, vết thương sâu và giập nát mô mềm, lóc da. Tình trạng thương tích quá nặng, vết cắt nham nhở đe dọa nhiễm trùng, hoại tử khiến bé đối mặt với nguy cơ phải đoạn chi. Các bác sĩ đã quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn nguy để cứu cánh tay cho bệnh nhi.

Suốt 5 giờ căng thẳng trong phòng mổ, ê kíp bác sĩ đã tiến hành cắt lọc hoại tử, rửa vết thương, thực hiện vi phẫu dưới kính hiển vi nối thành công 7 cọng gân bị đứt, nối lại dây thần kinh trụ và động mạch trụ. Sau phẫu thuật, bệnh nhi có thể co duỗi được khớp cổ tay và các ngón, máu lưu thông tốt, cảm giác các đầu ngón tay dần bình phục.

Sau giai đoạn hậu phẫu, chăm sóc vết thương, để phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhi các y bác sĩ và gia đình đã nỗ lực vật lý trị liệu. Qua nhiều tháng kiên trì tập luyện, đến ngày 23/10, bàn tay của bé đã bình phục rất tốt, cháu có thể cầm viết, thực hiện các thao tác cầm nắm như những trẻ bình thường.

Té trong nhà tắm, bé trai suýt mất cánh tay - 2

Sau thời gian dài kiên trì điều trị, tập luyên, chức năng của bàn tay bị nạn của bé đã trở lại bình thường

Qua tai nạn trên, bác sĩ khuyến cáo quý phụ huynh, trẻ nhỏ rất hiếu động nhưng chưa ý thức được nguy hiểm có thể xảy đến với bản thân nên thường đối mặt với nguy cơ tai nạn. Để hạn chế rủi ro, phụ huynh cần thường xuyên để mắt đến con em mình, chủ động loại bỏ những vật dụng có nguy cơ gây tai nạn cho các bé, từng bước hướng dẫn trẻ kỹ năng phòng tránh những tình huống có thể gặp tai nạn.

Trường hợp tai nạn thương tích nguy hiểm xảy ra, phụ huynh cần bình tĩnh thực hiện sơ cứu tại chỗ, sau đó nhanh chóng chuyển trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ hỗ trợ, can thiệp, điều trị kịp thời.

Vân Sơn