Tăng thuế thuốc lá, cứu tới 9.000 sinh mạng mỗi năm

(Dân trí) - Đó là khẳng định của TS Gabit Ismailov, Phó trưởng đại diện VP Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam trong lễ Mít tinh hưởng hứng ngày Thế giới không thuốc lá năm 2014 tổ chức tại Bộ Y tế sáng nay.

 
Tăng thuế thuốc lá, cứu tới 9.000 sinh mạng mỗi năm

Các đại biểu và học sinh, sinh viên tham gia diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới Không thuốc lá (31/5). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
 
Sử dụng thuốc lá gây tử vong cho gần 6 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, trong đó hơn 600.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động (người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc của người khác).

 

Nếu chúng ta không có các hành động kịp thời, con số tử vong do nạn dịch thuốc lá sẽ tăng lên thành hơn 8 triệu ca mỗi năm vào năm 2030. Hơn 80% các trường hợp tử vong do thuốc lá xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Những ca tử vong này lẽ ra đã có thể tránh được.

 

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, nghiên cứu cho thấy việc tăng thuế rất có hiệu quả trong việc giảm sử dụng thuốc lá ở nhóm thu nhập thấp và ngăn chặn những người trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc. Khi tăng thuế thuốc lá sao cho giá thuốc lá tăng thêm 10%, sẽ giúp giảm tiêu thụ thuốc lá khoảng 4% ở các nước có thu nhập cao và khoảng 8% ở hầu hết các nước có thu nhập thấp và trung bình.

 

Kết quả này đã được chứng minh ở các quốc gia áp dụng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này. Cụ thể, năm 2010, ước tính ở 22 quốc gia thu nhập thấp nhất, khi tăng 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ giúp ngân sách các quốc gia này có thêm hơn 1,4 tỷ USD mỗi năm từ khoản thu thuế thuốc lá. Nếu dành phần tawmg thêm này cho y tế thì nguồn chi cho y tế của chính phủ ở các nước này có thể tăng lên đến 50%.

 

Theo đó, hiện tỉ lệ thuế thuốc của Việt Nam mới chiếm 41,6% trên giá bán lẻ, là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất so với các nước trong khu vực (Brunei là 81%, Thái Lan là 70%...) và rất thấp so với các nước phát triển (Pháp 80%, Đức 73%...). Điều này đã tạo cơ hội cho thanh thiếu niên dễ tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá và nhanh chóng trở thành người nghiện thuốc lá. Do đó, để giảm khoảng 1% tỉ lệ hút thuốc lá mỗi năm (2012-2020), mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt cần tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và có lộ trình tăng lên thành 145% vào năm 2018.

 

 “Việc áp dụng mức thuế tối ưu như ở trên sẽ giúp cho Việt Nam tránh được khoảng 5.000-9.000 sinh mạng mỗi năm và giúp đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá, đó là giảm tỉ lệ lệ nam giới hút thuốc lá xuống còn 39% vào năm 2020”, TS Gabit khẳng định.

 

 Trần Phương