Tăng cường tập huấn quản lý, chăm sóc người bệnh động kinh tại cơ sở

(Dân trí) - Quản lý và kiểm soát bệnh động kinh là một trong những vấn đề ưu tiên tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dưới sự tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giai đoạn 2012 - 2015, Việt Nam là quốc gia được lựa chọn thực hiện các dự án về chống động kinh.

Tập huấn quản lý, chăm sóc người bệnh động kinh tại cơ sở
Kiểm tra, giám sát hoạt động của Dự án BVSKTT cộng đồng tại Trạm y tế Đông Hải, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh.

 

Hiệu quả thiết thực từ Dự án BVSKTT cộng đồng

 

Qua 12 năm triển khai, đến nay mạng lưới chuyên khoa tâm thần phủ khắp từ trung ương đến địa phương (63 tỉnh, thành), tỷ lệ người bệnh tâm thần được quản lý, điều trị chiếm trên 70%. Các hoạt động của dự án như: khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân mới, khám và cấp phát thuốc điều trị ngoại trú hàng tháng cho bệnh nhân tâm thần tại các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa đều kịp thời, giúp họ nhanh chóng ổn định, đỡ tốn kém về kinh tế khi điều trị bệnh.

 

Chuyên môn cán bộ y tế cơ sở qua dự án được tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức tâm thần và tay nghề ngày một vững vàng. Bên cạnh đó qua công tác thông tin tuyên truyền, nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần cũng được nâng lên rõ rệt, nếu trước đây còn e ngại tin vào cúng bái, thì nay họ đã hiểu và đưa người thân bị bệnh tâm thần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

 

Đợt đi kiểm tra, giám sát các hoạt động của dự án ở 13 tỉnh, thành của Bệnh viện Tâm thần TƯ 1 cho thấy: việc điều trị, quản lý người bệnh, cấp phát thuốc và ghi chép hồ sơ bệnh án được các cơ sở y tế thực hiện tốt; Công tác truyền thông trên đài phát thanh xã, phường, phát tờ rơi được làm thường xuyên; Phục hồi chức năng cho người bệnh kết hợp giữa công tác viên y tế và gia đình người bệnh được tiến hành đều đặn.

 

Theo ThS.BS. Chu Văn Điểu – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến thuộc Trung tâm Đào tạo & Chỉ đạo tuyến, BVTTTW1 cho biết: Sau 12 năm triển khai, Dự án BVSKTT cộng đồng đã thực sự có hiệu quả tích cực đi vào đời sống của nhân dân, nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền. Tỷ lệ người bệnh ổn định, sống hòa nhập với cộng đồng, không tái phát đi viện tăng lên từng năm. Gia đình người bệnh giảm gánh nặng về kinh tế trong điều trị và các hành vi gây rối của bệnh tâm thần”.

 

Tuy nhiên, cũng theo BS Điểu việc triển khai hoạt động của Dự án đôi khi gặp phải một số khó khăn. Nhân lực cán bộ chuyên khoa tâm thần ở các tỉnh còn thiếu và yếu, cho nên việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch, chất lượng dự án còn hạn chế. Cán bộ chuyên trách tuyến huyện, xã hay thay đổi công việc nên ít được cập nhật kiến thức làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo chuyên môn chưa được liên tục. Kinh phí cấp cho dự án còn thấp vì vậy một số mục chi bị cắt giảm, ví dụ: kinh phí PHCN cấp cho cộng tác viên y tế thôn, bản hầu như thiếu dẫn đến việc tham gia PHCN của người bệnh ít đi; kinh phí hạn chế, thuốc cấp cho người bệnh tại cộng đồng chủ yếu là an thần kinh cổ điển làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị…Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt vùng sâu, vùng xa về sức khoẻ tâm thần còn chưa được cải thiện, nhiều quan niệm còn lệch lạc. Ở một số tỉnh, các cấp chính quyền còn chưa thực sự quan tâm, chưa tạo điều kiện giúp đỡ cho người bệnh một cách đúng mức.         

 

Khai giảng lớp tập huấn tại huyện Tam Nông - Phú Thọ.

Khai giảng lớp tập huấn tại huyện Tam Nông - Phú Thọ.

 

Xây dựng năng lực nhận biết và chăm sóc, quản lý người bệnh động kinh

 

Dưới sự tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giai đoạn 2012 – 2015, trong năm 2013 này, BV Tâm thần TƯ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ không chuyên khoa về quản lý bệnh nhân động kinh tại cơ sở tại các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên….

 

Cụ thể như khóa tập huấn tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông - tỉnh Phú Thọ. ệnh viện Tâm thần Trung ương đã tổ chức lớp tập huấn cho 24 học viên đang công tác ở Trung tâm y tế, trạm y tế và cán bộ phụ trách sức khỏe tâm thần.

 

Trong thời gian 03 ngày các giảng viên của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ đã truyền đạt những kiến thức về nhận biết bệnh; vai trò, trách nhiệm của cán bộ y tế cộng đồng; cách xử trí, tư vấn cho người bệnh và gia đình dùng thuốc…

 

Phát biểu khi kết thúc khóa tập huấn, BS. Hà Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi được chọn làm địa điểm thực hiện chương trình tập huấn. Trước mắt chúng tôi sẽ cho triển khai thí điểm ngay tại 2 xã Hương Nộn và Cổ Tiết”.

 

Nhân Hà