1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tạm dừng ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú tại BV Ung bướu Nghệ An

(Dân trí) - Cuối năm 2014 BV Ung bướu Nghệ An công bố chữa khỏi ung thư vú ca đầu tiên nhờ ghép tế bào gốc. Tuy nhiên Bộ Y tế cho rằng, BV công bố như vậy là sai bản chất, gây hiểu lầm và BV phải dừng phương pháp này cho đến khi chứng minh được hiệu quả.

Theo đó,

Theo đó,  cuối năm 2014 Bệnh viện Ung bướu Nghệ An công bố thành công Ca ghép tế bào gốc trị ung thư vú đầu tiên tại Việt Nam bằng ghép tế bào gốc. Đây là một bệnh nhân nữ 53 tuổi, ở thị trấn Yên Thành, Nghệ An; được xác định bị ung thư vú bên phải thể ống xâm nhập độ II.

Sau sự kiện này, rất nhiều chuyên gia về ung bướu hàng đầu đã có văn bản gửi lên Bộ Y tế vì rất nhiều người bệnh muốn chuyển về Nghệ An, Huế để chữa trị bằng cách ghép tế bào gốc để chữa trị ung thư vú. Trước sự việc này, Bộ Y tế đã giao Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo tìm hiểu vấn đề.

Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết, việc bệnh viện công bố chữa khỏi ung thư vú nhờ ghép tế bào gốc gây hiểu nhầm cho người bệnh và người dân, là sai bản chất vấn đề.

Sau cuộc họp vừa diễn ra giữa Bộ Y tế với Sở Y tế Nghệ An, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Bộ Y tế đã yêu cầu bệnh viện tạm dừng phương pháp này.

“Trong cuộc họp mới tổ chức bàn về phương pháp điều trị này, bệnh viện cho rằng phương pháp ghép tế bào gốc điều trị suy tủy đã được Bộ Y tế cho phép. Đúng là Bộ Y tế đã cấp phép ghép tế bào gốc nhưng với mục đích điều trị suy tủy. Việc BV lại công bố lần đầu tiên sử dụng tế bào gốc để điều trị bệnh ung thư là sai về mặt bản chất, gây hiểu nhầm cho người bệnh và người dân. Nếu muốn thông tin, bệnh viện chỉ có thể công bố khả năng hỗ trợ của ghép tế bào gốc, còn không thể công bố nhờ ghép tế bào gốc điều trị khỏi ung thư cổ tử cung, ung thư vú. Hai việc này hoàn toàn khác nhau giữa hỗ trợ điều trị và có tác dụng trị bệnh”, ông Quang nhấn mạnh.

“Bởi trong điều trị ung thư, các liệu pháp hóa chất, xạ trị có tác dụng phụ là gây suy tủy xương. Ghép tế bào gốc điều trị suy tủy xương là giúp tăng thể lực, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân chứ không có căn cứ nào chứng minh ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng hiệu quả. Vì thế, trước mắt Bộ yêu cầu tạm dừng ứng dụng ghép tế bào gốc điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An”, ông Quang khẳng định.

Theo các chuyên gia việc công bố gây hiểu nhầm như vậy thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự sống của người bệnh. Ở VN, Bộ Y tế mới cho phép ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu, ghép tế bào gốc trung mô điều trị viêm khớp, thí điểm ghép tế bào gốc điều trị tim mạch... vì đã chứng minh được hiệu quả của nó.

Còn với các loại ung thư khác, đến nay tế bào gốc chưa được chứng minh có thể tiêu diệt được tế bào ung thư hay khống chế sự phát triển của ung thư. Nghiên cứu trên thế giới cũng chưa có chỉ định ghép tế bào gốc để điều trị những bệnh lý này.

“Việc khiến người bệnh hiểu nhầm thông tin, đợi chờ, mong muốn ghép tế bào gốc có thể mất đi cơ hội điều trị của người bệnh. Bởi ung thư vú tiên lượng điều trị rất khả quan nến phát hiện sớm, có thể kết hợp phẫu thuật, điều trị hóa chất để kéo dài sự sống cho người bệnh”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, quan điểm của Bộ Y tế là ủng hộ các bệnh viện nghiên cứu, phát triển kỹ thuật mới. Tuy nhiên nếu Bệnh viện muốn dùng tế bào để điều trị ung thư vú thì phải xây dựng đề tài khoa học chi tiết, phải đánh giá được hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư sau ghép tế bào gốc. Trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ có hội đồng thẩm định dựa trên khoa học, đạo đức và quyền lợi của người bệnh để xem có cho phép hay không vì đây là phương pháp mới.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm