Tạm biệt chân đau

(Dân trí) - Đôi chân chịu rất nhiều lực tác động nhưng lại được quan tâm rất ít. Kết quả là chúng ta phải đối mặt với rất nhiều các vấn đề về chân như chai chân, mụm cơm, đau nhức gót chân…

1. Các vết chai sần

 

Các vết chai ở chân là do các lớp da chết cứng, dày bao quanh một nhân và có các dây thần kinh ở phía dưới. Chúng được hình thành từ các vết ép và phồng rộp lên do đi giầy không phù hợp, do dáng đi (bàn chân dẹt, dị tật ở chân hoặc có vấn đề trong cấu trúc chân).

 

Để ngăn ngừa các vết chai sần, nên đi giầy và tất vừa chân để không bị trầy xước da chân; tránh đi giầy đế cao, hoặc bất cứ loại giầy nào làm bạn không thoải mái và gây đau chân.

 

Để loại bỏ các vết chai sần, hãy ngâm chân vào nước ấm cho đến khi các vết chai mềm rồi nhẹ nhàng dùng một hòn đá kỳ chà vết chai. Làm vài lần như vậy mới khỏi.

 

Dùng một tấm gạc hoặc miếng cao dán vào chỗ chai và lót một lớp giấy thấm mồ hôi khi đi giầy.

 

Trên các miếng đệm chữa chai chân có chứa axít salicilíc nên phải sử dụng cẩn thận để tránh gây bỏng.

 

Nếu bạn mắc bệnh đái đường hoặc có vấn đề về hệ tuần hoàn, hãy đến bác sĩ để được chỉ dẫn về cách chữa vết chai sần.

 

2. Viêm kẽ ngón chân, các ngón chân khoằm xuống

 

Viêm tấy là do sự dị dạng của khớp ngón chân cái, gây sưng tấy và bị đau khi đi bộ. Các vết sưng tấy nhỏ có thể xuất hiện ở đốt xương thứ năm và các khớp xương của các ngón chân còn lại.

 

Các ngón chân khoằm xuống là dị dạng của các khớp chân, thường xảy ra ở một trong ba ngón chân giữa và ở tình trạng ngón chân bị bẻ xuống như móng vuốt, gây đau đớn và cản trở khi đi lại

 

Phụ nữ thường hay mắc những vấn đề này hơn vì họ thường đi giầy chật, hẹp, đế cao vì trọng lực được đặt lên mu bàn chân thay vì gót chân.

 

Nếu bạn bị chứng viêm và khoằm chân thì hãy đi giầy đế thấp và nên đi xăng đan để cho chân được khô thoáng. Các vết viêm và ngón chân khoằm gây đau đớn cần phải chữa trị bằng thuốc, đôi khi còn phải phẫu thuật.

 

3. Móng chân mọc vào trong

 

Các móng chân mọc sâu vào trong khi đầu móng bị cắt sâu và sát thịt. Các đôi giầy và tất chật cũng là thủ phạm của sự phát triển bất thường này.

 

Để điều trị chứng bệnh này, hãy ngâm chân vào nước ấm để làm mềm móng và lấy ít bông thấm nước đặt ngay dưới móng để khỏi cắt vào thịt. Tiếp tục làm cho đến khi móng phát triển bình thường. Đi xăng đan hoặc giầy có xỏ nhiều lỗ thoát khí.

 

Nếu khu vực đó bị tấy đỏ, sưng phồng lên và bị nhiễm trùng thì phải dùng thuốc hoặc tiểu phẫu (cắt đến tận đáy để tạo móng mới) và laze.

 

Cách cắt móng theo hình chữ “V” sẽ chữa hoặc ngăn cản được móng phát triển vào trong là không đúng mà phải cắt móng chân thẳng, không tạo các hình cung và không cắt quá sát. Sửa các góc bằng rũa.

 

4. Các mụm cơm bí ẩn

 

Đây là những “vật thể lạ” thường xuất hiện ở lòng bàn chân. Các mụn cơm này bẹt và có màu sáng. Chúng do một loại vi rút gây ra và khó lây lan. Nếu là mụn cơm nhỏ và không đau, hãy kệ nó vì chúng sẽ tự biến mất cùng lắm là một hoặc hai năm.

 

Nếu là mụn cơm gây đau, bạn hãy dùng thuốc trị mụn cơm. Những thuốc này thường có chứa axít salicilic vì thế hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để tránh bị bỏng.

 

5. Nhiễm nấm

 

Để ngăn chặn nấm gây ngứa, bạn hãy giữ cho chân của mình luôn sạch sẽ, khô thoáng nhất là vào mùa hè nóng bức.

 

Cả bàn chân và giữa các ngón chân phải luôn khô thoáng. Tránh đi giầy quá chật, bí hơi và tất ẩm ướt. Hãy đi chân đất và xăng đan khi có cơ hội.

 

Nếu đi giầy, hãy chọn loại tất thấm được mồ hôi. Làm khô thoáng các đôi giầy của bạn, đừng đi một đôi giầy từ ngày này qua ngày khác. Cho ít chất chống mồ hôi và nấm cũng là cách giúp cho chân bạn luôn khô thoáng.

 

6. Đau gót chân

 

Gót chân đau khi bạn dồn trọng lượng vào một hoặc cả 2 gót chân khi vừa ngủ dậy hoặc đứng dậy sau một khoảng thời gian ngồi lâu. Cơn đau thường giảm đi sau khi bạn đi lại khoảng một giờ.

 

Đi giầy cao hoặc đế giầy mỏng; tham gia tập thể thao quá sức, bài tập quá nặng với giầy không phù hợp... cũng là nhân tố làm chân đau. Chứng đau dây thần kinh, viêm khớp và viêm gân cũng gây ra đau gót chân vì chúng có thể làm rạn xương chân. Bệnh đái đường và ốm đau khác cũng có thể làm gót chân đau.

 

Cách điều trị tốt nhất là hãy giảm các bài tập và để chân nghỉ ngơi tối đa. Muốn giảm đau, hãy chườm đá 3 đến 4 lần trong một ngày và mỗi lần khoảng 20 phút.

 

Bạn cũng có thể dùng một tấm lót đế thấm mồ hôi bằng silicon ở các cửa hàng thuốc vào đôi giày. Tránh đi giầy đế quá mỏng hoặc cao. Hãy tham gia các môn thể thao mà không gây lực quá mạnh vào gót chân như đạp xe, bơi.

 

7. Các vết phồng rộp

 

Nếu các vết phồng rộp nhỏ thì bạn không cần quan tâm. Bạn chỉ cần giữ sạch sẽ khu vực phồng rộp thôi. Bạn cũng có thể tạo các lỗ nhỏ ở lớp giấy thấm mồ hôi để giảm ma sát của các vết phồng rộp.

 

Nếu vết phồng rộp vỡ ra, hãy rửa bằng xà phòng và nước. Sau đó dùng gạc băng vào. Nó sẽ khỏi rất nhanh.

 

Nhưng nếu vết vỡ chỗ phồng rộp lớn và đau thì hãy làm như sau: Rửa sạch chỗ phồng rộp đó, sau đó dùng dùng kim được vô trùng (giữ nó trong ngọn lửa rồi để nguội) đâm vào vết phồng rộp. Nhẹ nhàng tra thuốc mỡ và dùng gạc vô trùng băng lại. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng tấy đỏ lên thì đến bác sĩ ngay.

 

Nếu bạn muốn có một đôi chân khỏe, một trong những việc cần làm đầu tiên là hãy chọn mua cho mình những đôi giầy phù hợp. Dưới đây là một số chú ý khi mua giầy:

 

- Luôn luôn ướm thử giầy: với kiểu giầy khác nhau thì kích thước cũng thay đổi, chân của bạn lại thay đổi theo từng năm. Đặc biệt là phía trước bàn chân thường dài và rộng hơn.

 

- Hãy để toàn bộ trọng lượng của bạn lên đôi chân khi bạn thử giầy.

 

- Lựa chọn giầy theo ngón chân cái. Khi đi giầy vào và đứng lên, giầy của bạn phải tạo ra một khoảng trống giữa ngón chân cái và mũi giầy chừng 1,3 cm để ngón chân cái của bạn có thể chuyển động được.

 

- Chân sẽ to ra trong suốt một ngày (do ma sát, nhiệt độ và đi lại) vì vậy bạn hãy đi mua giầy vào cuối ngày. Khi đó chân sẽ căng ra lớn nhất.

 

- Đảm bảo vùng khớp nối khối xương bàn chân (khu vực rộng nhất của chân) vừa vặn, thoải mái trong vùng rộng nhất của đôi giầy. Giầy có thể cong theo khi chân bạn uốn cong.

 

- Đừng bao giờ mua một đôi giầy không thoải mái khi bạn nghĩ rằng có thể chúng sẽ bị dãn ra. Hãy nhớ rằng giầy sẽ không bao giờ dãn ra nhưng chân bạn thì có thể trở nên đau nhức, phồng rộp, khó chịu.

 

- Đừng bao giờ mua tất và tất dài mà bó sát hoặc lằn thành vết lên chân bạn

 

- Đảm bảo giầy hợp với mục đích của bạn. Nếu bạn phải đứng hàng giờ liền mỗi ngày, bạn cần đôi giầy “biết thông cảm” (không cao, có tấm lót mềm…). Nếu bạn đi bộ để tập thể dục, bạn cần một đôi giầy có lòng giầy rộng, đế chắc chắn nhưng dẻo và không cao quá 2 phân.

 

Tuyết Ngọc

Theo Berkeley Wellness