Tại sao tôi bị zona?

(Dân trí) - Lúc đầu trên lưng, ngực xuất hiện các vết xước, sau tăng dần cảm giác đau đớn. Đi khám, bác sĩ nói tôi bị zona. Xin hỏi bác sĩ Zona là bệnh gì? Tại sao tôi bị mắc bệnh này, liệu có biến chứng và tôi có phải chung sống suốt đời với bệnh không? (L.Tri, Thanh Xuân, Hà Nội)

Bác sỹ Oon Beng Bee, BS chuyên khoa da liễu, Bệnh viện Mount Elizabeth - Tập đoàn Y tế Parkway trả lời:

 

Bệnh do virus có tên gọi là varicellce zoster gây nên, biểu hiện hai dạng bệnh chính trên lâm sàng là Thuỷ đậu và Zona. Các nhà khoa học đã phân lập được loại virus gây bệnh Thuỷ đậu và Zona tên là varicellce zoster thuộc họ Herpes virus.

 

Bệnh này lây theo đường hô hấp, thường gặp ở những đối tượng có phơi nhiễm với virus, hay gặp trên những đối tượng có sức đề kháng suy giảm: Người bị nhiễm HIV, trẻ em suy dinh dưỡng-tiêu chảy, hay mắc các bệnh đường hô hấp, bệnh nhân đái tháo đường, người già...

 

Khi virus xâm nhập vào cơ thể trong giai đoạn cấp ở các khoảng gian bào của tế bào biểu bì, tạo nên đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, sau đó sẽ cư trú lại ở rễ lưng dây thần kinh, thường gây tái phát bệnh sau đó. Triệu chứng toàn thân bệnh nhân có thể cảm nhận thấy như đau đầu, sốt nhẹ,mệt mỏi, chán ăn...

 

Triệu chứng tại chỗ bệnh nhân cảm thấy vùng da nơi tổn thương dát, đau nhói như kim châm với các mức độ khác nhau, vùng da tấy đỏ sau 3 - 5 ngày tạo thành các mụn nước mọc thành đám hay riêng lẻ nổi trên mặt da, rồi đóng miệng bong vẩy và để lại sẹo, biến đổi màu da thẫm hơn so với vùng da xung quanh, bệnh sẽ khỏi sau 2 - 4 tuần. Tổn thương nằm khu trú theo dọc đường đi của dây thần kinh ngoại biên như vùng mạng sườn, vùng lưng, cổ gáy, mặt...(tổn thương mà dân gian ta hay gọi là giời leo).

 

Biến chứng nguy hiểm của Zona là những biến chứng nội tạng như viêm phổi, viêm não, viêm tuỷ( gây liệt nhẹ nửa người), viêm loét hoại tử giác mạc, khi có biến chứng nội tạng bệnh nhân thường chết vì viêm phổi. Biến chứng mạn tính kéo dài làm cho bệnh nhân khó chịu là biến chứng thần kinh gây tăng cảm giác đau ở vị trí tổn thương.( biến chứng này được định nghĩa khi có triệu chứng đau kéo dài trên 1 tháng kể từ khi có ban sẩn trên da hay từ khi xuất hiện sẹo)

 

Điều trị:

 

- Vệ sinh vùng da bị tổn thương, có thể dùng miếng băng dán khoanh vùng vị trí tổn thương

 

- Sử dụng typ chứa thuốc kháng virus bôi vị trí tổn thương.

 

Acyclovir 800mg/lần

Ngày dùng 5 lần           Thời gian sử dụng trong 5-7 ngày

Famciclovir 500mg/lần

Ngày uống 3 lần           Thời gian sử dụng trong 7 ngày

Valacyclovir 1000mg/lần

Ngày uống 3 lần           Thời gian sở dụng trong 7 ngày

 

Bệnh nhân bị Zona cấp tính có thể điều trị bằng đường tiêm

Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch: Vidarabine 1 lần 1 ngày  với liều lượng 15 mg/kg/ngày

 

 Còn đối với Acyclovir đương tiêm truyên chưa chứng minh được hiệu quả rõ riệt.

 

+ Điều trị với đau cấp tính dây thần kinh: Thường rất khó khăn với các mức độ giảm đau tăng dần từ các nhóm thuốc chống viêm giảm đau không Steroid(chú ý không dùng thuốc aspirin) đến nhóm thuốc giảm đau Steroid, từ dẫn xuất không gây ngủ đến gây ngủ như Amitriptyline, Fluphenazine…

 

+ Chế độ ăn: Do triệu chứng đau làm bệnh nhân khó chịu và tổn thương trên da làm thoát lượng huyết tương đáng kể nên khuyên bệnh nhân ăn bồi dưỡng, khẩu phần ăn tăng nhiều bữa cung cấp đủ năng lượng, đạm, vitamin và chất khoáng đặc biệt các vitamin nhóm B(B1,B6,B12,PP), vitamin C, chất khoáng như kẽm, selen.

 

Phòng ngừa:

 

-Người ta có thể dùng vac-xin phòng virus lấy từ bệnh nhân bị thuỷ đậu(VZIG) hay vac-xin phòng virus lấy từ bệnh nhân bị Zona cho trẻ em dưới 15 tuổi, người có tiếp xúc với người bị nhiễm virus varicellae, một số trường hợp suy giảm miễn dịch mắc phải như điều trị hoá chất, bệnh bạch cầu, điều trị thuốc ức chế miễn dịch…

 

- Tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm virus varicellae, những người bị cần được cách ly tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.

 

N.H ghi