Tại sao không nên uống cà phê khi bụng đói?
(Dân trí) - Nếu uống khi bụng đói, lợi ích của cà phê sẽ không đủ bù đắp cho các tác dụng phụ.
Đối với 63% số người Mỹ trong năm nay, cà phê là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Sự gia tăng tỏng việc sử dụng cà phê là do những lợi ích của nó, như ngăn chặn tổn hại ADN, nhưng cà phê chỉ hoạt động tốt nhất nếu bạn làm một việc đơn giản, đó là ăn.
Uống cà phê khi bụng đói, hoặc sáng sớm trước khi ăn sáng, có thể làm tăng mức độ cortisol trong cơ thể. Từ khi bắt đầu thức giấc vào buổi sáng, cơ thể bắt đầu tiết ra cortisol, một loại hoóc-môn chịu trách nhiệm điều chỉnh đáp ứng miễn dịch, trao đổi chất, và đáp ứng với stress.
Nếu bạn bơm caffeine vào cơ thể khi cortisol đang ở đỉnh cao, cơ thể sẽ bị stress hơn nữa. Trong một nghiên cứu thí điểm đánh giá sở thích đồ uống chứa caffeine ở sinh viên y khoa, người ta đã thấy rằng có 25% sinh viên uống cà phê vào buổi sáng khi bụng đói.
Những sinh viên này bị tăng nguy cơ thay đổi tâm trạng và có thể tác động lâu dài đến sức khỏe của họ. Điều này là do cà phê kích thích axit trong dạ dày, tạo ra một môi trường axit hơn.
Uống cà phê khi dạ dày trống rỗng có thể khuyếch đại các tác dụng kích thích vì không có gì để cạnh tranh với sự hấp thụ. Vì vậy, bụng no là rất quan trọng để hạn chế lượng axit dạ dày được sản xuất.
Vì cà phê kích thích axít dạ dày, bạn sẽ dễ bị ợ nóng và thậm chí phát triển loét dạ dày. Rõ ràng, uống cà phê khi bụng đói ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Nhưng nó còn làm căng thẳng về sức khỏe tâm thần. Sản sinh quá nhiều axit trong dạ dày có thể gây thay đổi tâm trạng, bồn chồn, run và các triệu chứng cai khác. Ngoài ra, đã có những nghiên cứu liên hệ axit dạ dày với lo âu và trầm cảm.
Đặc biệt khi được tiêu thụ với lượng lớn, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng caffeine bắt chước các triệu chứng lo âu và thậm chí là cơn hoảng loạn. Các triệu chứng có thể bao gồm bồn chồn, run rẩy, mặt đỏ bừng và nhịp tim tăng lên. Và nếu bạn vốn đã dễ bị lo âu, bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi cà phê.
Cẩm Tú
Theo RD