Tại sao các nhà khoa học lại nghiên cứu giấc ngủ?

(Dân trí) - Lý do đầu tiên đầu tiên để nghiên cứu giấc ngủ chỉ đơn giản là vì giấc ngủ là một trong những bí ẩn cuối cùng còn sót lại trong sinh học.

Tại sao các nhà khoa học lại nghiên cứu giấc ngủ? - 1

Chúng ta vẫn chưa hiểu tại sao một người bình thường phải dành 25 năm cuộc đời cho việc ngủ. Hoặc tại sao thiếu ngủ lại có sức mạnh khiến con người ta sụp đổ hoặc gây ra những sai lầm khủng khiếp.

Giấc ngủ cũng là một khoảnh khắc kỳ diệu, cho phép chúng ta ngưng kết nối với thế giới, cái đói và những lo âu. Nói một cách hài hước thì "Giấc ngủ là cái chết không đoan chắc".

Đó là lý do tại sao mất ngủ lại gây stress như vậy khi bạn có vấn đề trong cuộc sống.

Theo Andre Iguodala, Giám đốc của Trung tâm Khoa học và Y học về giấc ngủ, ĐH Stanford, câu trả lời là nằm trong tầm tay của chúng ta, nhờ những tiến bộ trong dữ liệu lớn và di truyền:

Giấc ngủ được điều hoà như thế nào?

Ở cấp độ thực tế, có hai quá trình khác nhau là đồng hồ sinh học và "giấc ngủ còn nợ" sẽ điều hòa giấc ngủ.

“Giấc ngủ còn nợ” là những gì chúng ta cảm nhận được khi chúng ta phải thức trong một khoảng thời gian ngày càng dài hơn. Ngày qua ngày, con người trở nên ngày càng mệt mỏi hơn, đến mức sau 3 đêm một người sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì chỉ để được chợp mắt. Não sẽ theo dõi xem chúng ta đã ngủ được chừng nào và bắt buộc nó phải bắt kịp.

Randy Gartner có thể thức trong 264 giờ (11 ngày), đó là kỷ lục thế giới. Đây là điều kỳ lạ vì khi ngủ chúng ta dễ bị ăn thịt hơn, và trong thực tế những động vật ăn thịt nằm ở đầu của chuỗi thức ăn lại ngủ nhiều nhất.

Chúng ta chưa biết điều gì kiểm soát “giấc ngủ còn nợ” và nhu cầu ngủ ở các cá thể hoặc não theo dõi điều này như thế nào. Chúng ta mới chỉ biết rằng nhu cầu ngủ thay đổi rất nhiều theo tuổi và giữa những người khác nhau, và giấc ngủ khiến chúng ta cảm thấy được hồi phục. Nhưng lại chưa biết chính xác nó là hồi phục những gì trong cơ thể và não bộ.

Bạn có thể tưởng tượng một thế giới mà bạn có thể uống một viên thuốc, nhanh chóng ngủ thiếp đi, ngủ chỉ trong một vài giờ và thức dậy hoàn toàn khỏe khoắn? Một thế giới như vậy còn rất xa vời.

Độc lập với “giấc ngủ còn nợ”, có một số thời điểm nhất định ban ngày và ban đêm mà chúng ta thường cảm thấy tồi tệ hơn. Ví dụ, ngay cả khi không ngủ trong nhiều ngày, chúng ta vẫn dễ tỉnh táo hơn nhiều vào đầu buổi tối, trong khi lại rất buồn ngủ vào buổi sáng sớm. Cảm giác này song hành với sự thay đổi nhiệt độ cơ thể và là điều chúng ta hay gặp khi bị lệch múi giờ.

Không giống “giấc ngủ còn nợ”, chúng ta biết nhịp sinh học được tạo ra như thế nào; vấn đề là không ai có thể áp dụng một cách đơn giản kiến ​​thức phức tạp này để giúp mọi người.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng là hầu như mọi tế bào trong cơ thể đều có một đồng hồ bên trong cho phép nó chuẩn bị sẵn sàng đón một ngày mới, và đồng hồ này hoạt động bằng cách sản sinh những yếu tố điều hòa những yếu tố khác. Quá trình này mất đúng 24 giờ để hoàn thành và cài đặt lại.

Chúng tôi cũng biết rằng tất cả những đồng hồ này được điều khiển bởi một đồng hồ “chủ” nằm trong nhân trên chéo thị giác (suprachiasmatic nucleus), hay SCN. SCN là phần não nằm phía trên dây thần kinh thị giác kết nối trực tiếp với mắt để ánh sáng có thể đặt lại đồng hồ của chúng ta theo đúng thời gian mỗi ngày, điều này rất quan trọng vì nếu không có nó giờ giấc của cơ thể sẽ trôi dạt hàng ngày. Nó cũng giúp chúng ta điều chỉnh khi di chuyển qua các múi giờ khác nhau.

Một điều nữa cũng rất thú vị là nhịp sinh học không chỉ làm bạn tỉnh táo suốt cả ngày và buồn ngủ suốt cả đêm; nó còn khéo léo kết hợp với “giấc ngủ còn nợ” để tối ưu hóa chu kỳ 24 giờ. Ví dụ, vào buổi sáng, mọi người tỉnh táo chủ yếu là vì họ vừa mới ngủ và không bị nợ giấc ngủ, nhưng khi ngày dần trôi qua và nhiệt độ tăng lên thì “món nợ ngủ” cũng vậy, và vào buổi tối mọi người tỉnh táo bởi vì đồng hồ sinh học khiến chúng ta tỉnh táo, chiến đấu với “giấc ngủ còn nợ” mà chúng ta đã tích lũy từ buổi sáng. Điều ngược lại xảy ra vào ban đêm, chúng ta ngủ khi “giấc ngủ còn nợ” đã quá nhiều, và sau đó tiếp tục ngủ lâu hơn vào buổi sáng vì thân nhiệt giảm khiến chúng ta ngủ thêm vài giờ nữa. Đây là lý do tại sao vào giữa trưa hoặc giữa đêm, chúng ta dễ rơi vào vùng “nhạy cảm” khiến bạn có thể ngủ gật hoặc thức giấc.

Tại sao các nhà khoa học lại nghiên cứu giấc ngủ? - 2

Điều gì xảy ra trong giấc ngủ?

Có rất nhiều điều xảy ra trong giấc ngủ. Trước hết, chúng ta thực sự có hai loại giấc ngủ khác nhau đều rất cần thiết, đó là giấc ngủ sóng chậm và giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM).

Thông thường trong một đêm, đầu tiên người ngủ sẽ rơi vào giai đoạn giấc ngủ trong đó vỏ não nghỉ ngơi và tạo ra những sóng ngày càng đồng bộ - đó là lý do nó được gọi là giấc ngủ sóng chậm. Giai đoạn này của giấc ngủ đi kèm với ngắt kết nối nhận thức, do đó nếu đánh thức một người đang trong giấc ngủ sóng chậm, người ấy sẽ bối rối và không suy nghĩ được gì nhiều. Đây cũng là giai đoạn mà người ngủ dễ bị mộng du hoặc sợ hãi ban đêm.

Sau khoảng 1,5 giờ, một điều gì đó kỳ lạ xảy ra và não chuyển sang trạng thái gọi là giấc ngủ nghịch lý hoặc giấc ngủ REM. Đây là một trạng thái kì lạ vì người ngủ hoàn toàn tê liệt, nhưng mắt chuyển động dữ dội, và người đó mơ như thể vỏ não đang hoạt động khi tỉnh táo. Thật ngạc nhiên là trạng thái này mới chỉ được phát hiện ra cách đây 70 năm.

Trong giấc ngủ REM, những phần cơ bản nhất của bộ não điều tiết những chức năng tự động bị ngắt kết nối. Ví dụ, nhiệt độ hoặc trương lực cơ, sẽ bị tắt. Ngược lại, vỏ não hoạt hóa quá mức, có thể tăng cường những kết nối ngẫu nhiên và cũng tăng tính sáng tạo của chúng ta. Tuy đã có một số ý tưởng về chức năng của SWS như nghỉ ngơi và tiết kiệm calo, song giấc ngủ REM vẫn còn là một bí ẩn.

Những vấn đề của giấc ngủ?

Có khoảng 20% ​​dân số có vấn đề nghiêm trọng về giấc ngủ và hiện chưa có những giải pháp thật tốt.

Vấn đề thường gặp nhất là chứng ngưng thở khi ngủ, ảnh hưởng tới 10% dân số, đặc biệt là nam giới và có liên quan đến thừa cân hoặc có cằm nhỏ làm hẹp đường thở. Vấn đề này gặp ở cả hai giới và thậm chí cả trẻ em. Trong chứng ngưng thở khi ngủ, áp lực âm mà chúng ta tạo ra khi thở làm đường thở bị xẹp.

Ngừng thở khi ngủ gây ra hai vấn đề: ngủ kém và lúc nào cũng thấy mệt mỏi; và đáng lo ngại hơn, khi oxy giảm nhiều trong đêm, nó sẽ làm tăng nguy cơ đột quị, đau tim và thậm chí tử vong. Ngừng thở khi ngủ là một chẩn đoán khó vì cách điều trị chính – liệu pháp thông khí áp lực dương liên tục – hay CPAP –đối với nhiều người còn tệ hơn là bệnh. Cách điều trị này rất đơn giản; một máy bơm đẩy không khí nhẹ nhàng vào một mặt nạ ngăn không cho đường thở bị xẹp. Vấn đề với CPAP là một nửa số bệnh nhân không thể chịu đựng được nó. Mặc dù đã có những liệu pháp hiệu quả khác như phẫu thuật hoặc các thiết bị nha khoa, nhưng vấn đề là không thể biết chắc chắn ai có thể được lợi từ liệu pháp nào trong số đó, và tất nhiên, có rất cần có sự chính xác trong lĩnh vực này.

Vấn đề thường gặp thứ hai, ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ, là mất ngủ. Mất ngủ thường được bị xem là một tình trạng tuyệt vọng, điều này hoàn toàn sai. Chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong việc điều trị chứng mất ngủ mà không cần dùng thuốc. Thật vậy, một số bệnh nhân mất ngủ hình thành một mô hình xấu như cố làm mọi cách để ngủ, nằm trên giường quá lâu và lo lắng quá nhiều về nó.

Trong những trường hợp này, liệu pháp hành vi nhận thức và hạn chế giấc ngủ có thể rất hiệu quả và thay đổi cuộc sống. Chúng tôi chỉ đơn giản là yêu cầu họ ghi lại số giờ ngủ trong khoảng 2 tuần và tính trung bình. Sau đó chúng tôi sắp xếp lại thời gian biểu sao cho kết cục họ có tổng lượng giấc ngủ hơi ít hơn, nhờ đó giấc ngủ được duy trì vững chắc. Điều này phá vỡ vòng xoắn bệnh lý và họ có thể học lại cách để ngủ ngon.

Ngoài chứng ngưng thở khi ngủ và mất ngủ, còn có một loạt những vấn đề ít gặp hơn, ví dụ như hội chứng chân bồn chồn - một tình trạng khiến chúng ta phải cử động chân vào buổi tối và ban đêm. Đây là một rối loạn di truyền có liên quan với thiếu sắt. Cũng có những bệnh nhân bị tình trạng ngược lại với mất ngủ, họ phải vật lộn để giữ tỉnh táo vào ban ngày và có những trải nghiệm giấc mơ rất sinh động, chẳng hạn như trong chứng ngủ rũ. Một số người khác có hành vi kỳ lạ trong khi ngủ, như chống trả hoặc làm theo giấc mơ, hoặc đi bộ hay nói chuyện trong khi ngủ. Một số bệnh nhân mộng du nhảy ra khỏi cửa sổ, ngủ trong giường người khác, v.v…mà hậu quả có thể rất đáng sợ.

Tại sao các nhà khoa học lại nghiên cứu giấc ngủ? - 3

Vai trò của giấc ngủ đang bị đánh giá thấp

Lý do thứ ba khiến cần nghiên cứu về giấc ngủ là vì giấc ngủ có vai trò trong tất cả mọi thứ chúng ta làm. Tuy nhiên, vai trò này của giác ngủ đang bị đánh giá thấp một cách nguy hiểm.

Ngày càng có nhiều người làm việc ca đêm, làm 2 công việc hoặc quá khó dành thời gian cho giấc ngủ.

Việc “đánh lừa” giấc ngủ làm tăng nguy cơ của đủ loại vấn đề - béo phì, tiểu đường, bệnh tim và thậm chí ung thư, chưa nói đến những trục trặc trong hôn nhân hoặc tai nạn giao thông hay tai nạn lao động.

Tai nạn giao thông có lẽ là một trong những hậu quả bi thảm nhất, và vì nhu cầu ngủ là rất mạnh mẽ ở những người trẻ, nên những người này đặc biệt có nguy cơ. Ngủ gật khi lái xe thậm chí còn nguy hiểm chết người hơn tai nạn do bia rượu.

Khi lái xe ngủ gật trong vài giây, không khó để tưởng tượng ra hậu quả với một chiếc xe lao đi không phanh với vận tốc 80km một giờ.

Cẩm Tú

Theo hunffingtonpost