Tại sao béo phì làm tăng nguy cơ ung thư?
(Dân trí) - Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư, như di truyền, thay đổi nội tiết, hóa chất... và cả tình trạng béo phì rất phổ biến hiện nay.
Các nhà khoa học đã chỉ ra có mối liên hệ giữa béo phì và nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Theo kết quả khảo sát của nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư của người thừa cân, béo phì so với người bình thường như sau: Ung thư tử cung: tăng lên 4-7 lần, đặc biệt ở những phụ nữ mãn kinh chưa sử dụng liệu pháp hormon thay thế; Ung thư thực quản: cao gấp 2-4 lần; Ung thư dạ dày: cao gần gấp đôi; Ung thư gan: cao gấp đôi; Ung thư thận: cao gấp đôi; Đa u tủy: tăng nguy cơ từ 15- 20%; U màng não: tăng lên từ 25- 50%; Ung thư tụy: cao gấp 1,5 lần; Ung thư đại tràng: cao hơn 30%; Ung thư túi mật: tăng 60% , phụ nữ cao hơn nam giới; Ung thư vú: trước mãn kinh tăng 15%, sau mãn kinh tăng từ 20- 40%. Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư vú ở nam giới; Ung thư buồng trứng: tăng 10%; Ung thư tuyến giáp: chỉ tăng nhẹ 10%.
Theo đó, các nhà khoa học lý giải 6 cơ chế khiến thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ ung thư:
Người béo phì thường dễ bị mắc các chứng bệnh hoặc rối loạn liên quan đến hoặc gây ra viêm mãn tính ở mức độ thấp, và theo thời gian viêm sẽ gây tổn thương DNA dẫn tới ung thư.
Mô mỡ sinh tổng hợp một lượng estrogen dư thừa, nồng độ estrogen cao liên quan gia tăng nguy cơ ung thư vú, nội mạc tử cung, buồng trứng, và một số loại ung thư khác.
Người béo phì thường tăng insulin và insulin growth factor-1 (IGF-1). (cường insulin máu hoặc kháng insulin). Nồng độ insulin và IGF-1 cao có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư đại tràng, thận, tuyến tiền liệt và ung thư nội mạc tử cung.
Tế bào mỡ tạo ra adipokine, hormone kích thích hoặc ức chế sự phát triển của tế bào. Ví dụ, nồng độ leptin (một adipokine) trong máu tăng lên cùng với sự gia tăng chất béo khi béo phì sẽ thúc đẩy sự gia tăng phát triển tế bào trong cơ thể. Và adiponectin (adipokine khác) có tác dụng chống phát triển mô tế bào (antiproliferative effects) lại giảm thấp ở người béo phì.
Các tế bào mỡ cũng có thể có các tác động trực tiếp và gián tiếp lên các chất điều chỉnh tăng trưởng tế bào khác, bao gồm mTOR (mammalian target of rapamycin) và AMP kinase (AMP-activated protein kinase).
Các cơ chế khác có thể làm béo phì có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư bao gồm thay đổi tính chất cơ học của mô liên kết quanh tế bào vú, thay đổi phản ứng miễn dịch, tác động lên hệ thống kappa beta nhân (nuclear factor kappa beta system) và quá trình stress oxy hóa.