Tái nhiễm Covid-19: Nguy cơ và diễn biến như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - F0 có bị tái nhiễm không là thắc mắc được nhiều người quan tâm hiện nay.

Theo Bác sĩ Lê Thị Thanh Thủy - Chuyên khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, cần phân biệt rõ khái niệm F0 tái nhiễm và tái dương tính.

F0 có bị tái nhiễm có nghĩa là một người đã bị nhiễm, khỏi bệnh và sau đó bị tái nhiễm Covid-19 lại. Xét về mặt lâm sàng thì người nào đó đã từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh, bây giờ xuất hiện triệu chứng và xét nghiệm dương tính thì có thể nói là tái nhiễm.

Tái nhiễm Covid-19: Nguy cơ và diễn biến như thế nào?

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính trở lại mà không có triệu chứng thì có thể là trường hợp tái dương chứ không phải tái nhiễm, nghĩa là trong cơ thể còn tồn dư vật liệu di truyền của virus cũ trên đường hô hấp, chứ không phải là nhiễm chủng virus mới.

Một người tái nhiễm F0 nghĩa là họ có thể nhiễm một biến chủng khác, bởi sau khi nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh, trong cơ thể chúng ta đã có kháng thể với chủng cũ. Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân tái nhiễm F0 có các triệu chứng tương tự hoặc nhẹ hơn lần đầu.

Người bệnh tái nhiễm F0 vẫn có nguy cơ lây cho người khác do quá trình nhân lên của virus vẫn lặp lại. Do đó, bạn vẫn phải cách ly và điều trị theo thời gian mà Bộ Y tế khuyến cáo. Thực tế thì sau khi tiêm phòng hoặc mắc Covid-19, cơ thể chúng ta sẽ có kháng thể, nhưng do lượng kháng thể này sẽ giảm dần sau các mốc thời gian 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng và đặc biệt sẽ giảm mạnh sau 3 tháng và xuống thấp sau 6 tháng. Do vậy dù hiện đã âm tính, nhưng bạn cũng vẫn nên áp dụng các biện pháp phòng dịch 5K, không nên chủ quan.

Đang được quan tâm