Tai nạn do dùng thiết bị y tế gia đình
Các thiết bị y tế gia đình đã giúp cho người bệnh tiện lợi hơn khi theo dõi bệnh. Trên thị trường, các loại thiết bị này đang nở rộ còn người bệnh lại rất thiếu thông tin khi mua và sử dụng. Hậu quả là đã có nhiều tai nạn xảy ra khi sử dụng các thiết bị này.
Tai nạn nhớ đời
Tại các cơ sở khám chữa bệnh đang tiếp nhận một số bệnh nhân là nạn nhân của những thiết bị y tế gia đình.
Bé Phương Thảo - 8 tuổi ở Hà Nội thường xuyên bị viêm mũi, viêm xoang mỗi khi thay đổi thời tiết. Một lần đến khám tại một phòng khám tư, bác sĩ cho bé xông kháng sinh trực tiếp vào mũi, họng. Thấy hiệu quả, mẹ bé Thảo đã tìm mua một chiếc máy xông màng rung với giá gần 2 triệu đồng về nhà để tiện cho việc xông thuốc.
Sau 1 - 2 lần điều trị đỡ bệnh nhờ chiếc máy xông, mẹ bé Thảo đã tự điều trị cho con mình. Đến lần thứ ba, cũng với cách xông thuốc kháng sinh vào mũi họng, bé Thảo đã không đỡ bệnh, triệu chứng viêm ngày một nặng hơn. Khi đưa cháu vào Viện Tai - Mũi - Họng khám, bác sĩ cho biết, cháu bé đã bị viêm mũi, xoang rất nặng do không dùng đúng thuốc, không đủ liều, việc pha thuốc để xông phải theo chỉ định của thầy thuốc nếu không sẽ gây nguy hiểm.
Bà Bùi Thanh Vân - 65 tuổi ở khu tập thể Vân Hồ gặp tai nạn nhớ đời. Bị bệnh cao huyết áp, bác sĩ khuyên bà nên mua chiếc máy đo huyết áp để thường xuyên đo huyết áp ở nhà. Do không được hướng dẫn sử dụng máy chi tiết nên khi mang ra sử dụng, bà Vân đã thao tác sai, kết quả sai và đã mang đến hậu quả nghiêm trọng.
Sau một tuần nằm điều trị vì tai biến mạch máu não do huyết áp cao, bà Vân kể: “Tôi bỏ ra hơn 1 triệu bạc mua chiếc máy đo huyết áp cổ tay của Nhật về đo mỗi ngày. Thấy chỉ số huyết áp trong giới hạn an toàn, tôi không uống thuốc nữa. Ai ngờ, một tuần sau thấy đau đầu liên miên rồi liệt nửa người. Khi gia đình đưa vào cấp cứu tại BV Bạch Mai mới biết là huyết áp tăng quá cao đã dẫn đến tai biến mạch máu não. Đến lúc ấy tôi mới biết là do đo huyết áp không đúng cách nên đã tưởng nhầm là mình khỏi bệnh…”.
Trường hợp chị Hằng - 38 tuổi ở Mai Dịch cũng là lời cảnh báo cho chị em thích làm đẹp. Nghe bạn bè mách bảo để có làn da hồng hào cần chiếu tia hồng ngoại hàng ngày, chị Hằng đã không ngần ngại mua chiếc đèn chiếu tia hồng ngoại với giá hàng trăm nghìn đồng về chiếu lên da. Sau vài tuần chiếu tia, da chẳng thấy đẹp lên mà những chỗ da được chiếu tia có biểu hiện sẩn mụn ngứa…Đến khi khám bác sĩ da liễu mới hay do chiếu quá nhiều tia hồng ngoại dẫn đến hỏng da. Chiếu tia hồng ngoại phải theo chỉ định của bác sĩ, với những người hàng ngày tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì việc chiếu thêm tia hồng ngoại lại là điều bất lợi…
Chỉ tại thiếu thông tin
Mua sắm các trang thiết bị y tế dùng tại gia đình trong những năm gần đây khá phổ biến ở thành phố. Thông thường các thiết bị y tế gia đình đang bày bán trên thị trường chủ yếu là hàng nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu… nên tờ hướng dẫn sử dụng chỉ có tiếng nước ngoài.
Đối tượng sử dụng máy nhiều nhất thường là những người cao tuổi, không biết ngoại ngữ, khi mua máy chỉ được người bán hàng giới thiệu bằng miệng qua loa rồi mang về dùng.
Bên cạnh đó, khách hàng lại quá tin tưởng vào kết quả của các thiết bị đó mà nhiều khi đã không thường xuyên đi khám kiểm tra tại các cơ sở y tế. Bác sĩ ở Nguyễn Thị Nga - phòng khám Bệnh viện Bạch Mai nói: “Các thiết bị y tế gia đình chỉ là hỗ trợ cho việc theo dõi điều trị bệnh. Thông thường những kết quả trên các máy đo huyết áp, đo đường huyết, cân lượng mỡ trong cơ thể…vẫn có những sai số nhất định. Người có bệnh vẫn cần thiết phải đến khám, làm các xét nghiệm cần thiết tại các cơ sở y tế để thầy thuốc xem xét mức độ bệnh và điều chỉnh thuốc uống hợp lý…”.
Các thầy thuốc khuyến cáo, người bệnh khi sử dụng các thiết bị y tế gia đình nên nhờ bác sĩ tư vấn mua loại máy nào, hướng dẫn sử dụng chi tiết…để tránh việc sử dụng không đúng cách dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Theo B.B.Đ
Lao động