1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tai biến thẩm mỹ: Đừng dại "mách nhau làm đẹp" ở cơ sở trôi nổi

Hồng Hải

(Dân trí) - Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, các tai biến thẩm mỹ chủ yếu tại các cơ sở không được cấp phép. Việc chị em "mách nhau làm đẹp" tại các cơ sở này rất nguy hiểm.

Tai biến xảy ra chủ yếu tại cơ sở "thực hiện chui" can thiệp làm đẹp

Tại Hội nghị da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 7 do Bệnh viện Da liễu Trung ương, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa tổ chức trong 2 ngày 31/5-1/6 tại Nha Trang, PGS.TS Lê Hữu Doanh cho biết, nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng gia tăng.

Chuyên gia này cho biết, xu hướng làm đẹp hiện nay là tìm về vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp nhìn tươi hơn, đẹp hơn, trẻ hơn nhưng không nghĩ rằng có sự can thiệp về mặt thẩm mỹ. 

Tai biến thẩm mỹ: Đừng dại mách nhau làm đẹp ở cơ sở trôi nổi - 1

PGS.TS Lê Hữu Doanh (ngồi giữa) thảo luận cùng các chuyên gia trong một chuyên đề tại Hội nghị da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 7 (Ảnh: L.V).

"Đặc biệt, để hướng tới mục tiêu vẻ đẹp tự nhiên, việc can thiệp này kéo dài cả quá trình, qua nhiều lần can thiệp chứ không phải một lần là xong", PGS Doanh thông tin.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, vì nhu cầu làm đẹp tăng, nên kéo theo đó, các tai biến liên quan đến thẩm mỹ cũng tăng lên. Tai biến không chỉ từ phẫu thuật, mà các phương pháp khác như tiêm filler, laser, peel da, tiêm botox... đều có nguy cơ xảy ra tai biến, nếu thực hiện tại các cơ sở chưa được cấp phép, không phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện.

PGS Doanh chỉ ra thực tế, các tai biến liên quan thẩm mỹ chủ yếu do thực hiện các thủ thuật tại cơ sở không rõ đăng ký, nhân viên thực hiện can thiệp không phải bác sĩ, đa số do truyền tai mách nhau đi làm đẹp.

Cùng quan điểm này, TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, khi nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng, dịch vụ, thủ thuật tăng lên kèm theo biến chứng, tai biến của thẩm mỹ đó cũng tăng theo.

"Các tai biến không chỉ liên quan phẫu thuật mà ở các dịch vụ làm đẹp khác. Cần nhấn mạnh, các ca tai biến gặp chủ yếu ở các cơ sở không được phép thực hiện thủ thuật, người thực hiện không phải là bác sĩ", TS Sơn nói.

Vì thế, tại hội nghị lần này, trong hơn 100 bài báo cáo từ những chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, ngoài cập nhật kỹ thuật tân tiến nhất tới các bệnh viện cơ sở, có nhiều báo cáo liên quan đến phòng tránh tai biến ảnh hưởng người bệnh. Các chuyên gia đầu ngành chia sẻ giúp bác sĩ và người hành nghề trong lĩnh vực da liễu thẩm mỹ đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Đừng để "người cắt tóc, gội đầu" tiêm bất cứ thứ gì lên cơ thể

Theo TS Sơn, thời gian qua, tai biến liên quan tiêm filler rộ lên rất nhiều, khiến người bị mù mắt, người phải điều trị dài ngày khắc phục hậu quả biến chứng.

Tai biến thẩm mỹ: Đừng dại mách nhau làm đẹp ở cơ sở trôi nổi - 2

Phần lớn các ca tai biến thẩm mỹ do thực hiện tại các cơ sở không được phép, người thực hiện không phải là bác sĩ chuyên khoa. Trong ảnh, nữ bệnh nhân bị tắc mạch mũi do bị tiêm filler không đúng cách (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

"Điều nguy hiểm ở chỗ, người có nhu cầu làm đẹp thì tìm đến các cơ sở không được cấp phép vì giá rẻ, rồi nghĩ đơn giản, đó là thủ thuật làm đẹp bình thường, ai cũng có thể thực hiện. Còn người thực hiện không phải bác sĩ, đôi khi chỉ là người làm nghề cắt tóc, gội đầu, nhưng nhìn bác sĩ thực hiện... đơn giản quá, nên làm theo là gây ra nhiều nguy cơ biến chứng", TS Sơn nói.

Chuyên gia này giải thích, nhìn bác sĩ làm tưởng chừng đơn giản, nhưng bác sĩ là người được đào tạo về cấu trúc giải phẫu, sinh lý, mọi vấn đề liên quan để biết vùng nào can thiệp, đi đến lớp nào, vị trí nào phải thận trọng vấn đề gì. Ví dụ, họ biết vị trí mạch máu để không tiêm filler vào mạch máu gây tắc mạch, dẫn đến mù mắt, hoại tử... 

"Người không có chuyên môn nhìn thì tưởng đơn giản, nghĩ mình làm được, liều lĩnh tiêm cho bệnh nhân trong khi bản thân không hiểu biết gì về cấu trúc giải phẫu, "tiêm mù" kéo theo hàng loạt nguy cơ tai biến", TS Sơn cảnh báo.

Theo TS Sơn, nếu làm đẹp đúng chỉ định, do bác sĩ chuyên khoa thực hiện, tỉ lệ biến chứng là rất ít. Thực tế, các ca tai biến bệnh viện tiếp nhận điều trị, phần lớn thực hiện tại cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép, người thực hiện là thợ cắt tóc, gội đầu, "học lỏm" các khóa đào tạo bên ngoài.

PGS Doanh khuyến cáo, nhu cầu làm đẹp của mọi người là chính đáng, nhưng để làm đẹp an toàn, cần đến bệnh viện, cơ sở làm đẹp được cấp phép thực hiện, có bác sĩ chuyên khoa thực hiện. 

Các chuyên gia cho biết, tiêm bất cứ chất gì lên mặt, cơ thể, hay thực hiện thủ thuật làm đẹp nào có xâm lấn đều phải do bác sĩ chuyên khoa, được cấp phép thực hiện, không nên tùy tiện làm đẹp ở cơ sở không được cấp phép để phòng những tai biến đáng tiếc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm