1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Suýt mất mạng vì sửa sang "cô bé"

Với những biến chứng có thể gặp phải khi khâu thẩm mỹ tầng sinh môn, các chuyên gia cho biết, không phải ai cũng thực hiện được việc làm đẹp này.

Thủ thuật dành cho đối tượng nào?

TS.BS Vũ Bá Quyết – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, khâu tầng sinh môn là thủ thuật áp dụng cho những sản phụ bị tổn thương phần này sau sinh thường. Ngoài ra, có không ít phụ nữ quyết định khâu tầng sinh môn vì không đạt được sự hài lòng trong quan hệ tình dục. Bên cạnh đó còn có những phụ nữ cần khắc phục lại tổn thương của tầng sinh môn sau tai biến của cuộc sống.

Các bác sĩ sản khoa cho biết, hiện tại, có hai khái niệm hoàn toàn khác nhau về khâu tầng sinh môn khiến chị em thường hiểu nhầm. Thứ nhất là khâu lại tầng sinh môn sau sinh và khâu thẩm mỹ tầng sinh môn. Khâu tầng sinh môn sau sinh là khôi phục lại sau khi đã bị rạch trong cuộc đẻ, không bị cắt bỏ mô, da. Riêng khâu thẩm mỹ tầng sinh môn, tức cắt bỏ bớt một phần mô, da và phải khâu để thu hẹp lại “vùng kín”.

Theo TS.BS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, việc khâu thẩm mỹ tầng sinh môn phải tùy vào nhu cầu, điều kiện của khách hàng. Những người chưa sinh con bao giờ họ cũng có nhu cầu thu hẹp, làm đẹp vùng kín khi vùng kín bị giãn rộng, hoặc quá khứ có sẹo xấu hay do tai nạn làm tổn thương.

Bàn về chuyện không ít phụ nữ “mách nhau” nên thực hiện khâu thẩm mỹ luôn khi không có ý định sinh tiếp nữa, TS.BS Nguyễn Duy Ánh khuyến cáo: Sinh lần một hay bao nhiêu không quan trọng, mà điều quan trọng là phải “có vấn đề” mới thực hiện. Không phải ai cũng nên thực hiện dù thủ thuật này không ảnh hưởng đến việc thụ thai và có con của phụ nữ”,TS.BS Nguyễn Duy Ánh cho hay.

Các chuyên gia cho rằng, phụ nữ trải qua nhiều lần sinh nở thì sàn chậu và tầng sinh môn giãn. Lúc này, mục đích của khâu tầng sinh môn là tránh cho người bệnh bị sa tử cung, sa sinh dục. Vì những lý do trên, khâu tầng sinh môn được xem là một thủ thuật tiểu phẫu khá quen thuộc. “Thủ thuật sẽ được tiến hành trong cuộc đẻ của sản phụ, chỉ thêm vài động tác thôi nên bệnh viện không thu thêm tiền trong thủ thuật này”, TS.BS Nguyễn Duy Ánh nói.

Canh ngày “đèn đỏ” để thủ thuật

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đây là thủ thuật tiểu phẫu có xâm lấn, bệnh nhân có phải ký cam kết trước khi thực hiện hay không? TS.BS Vũ Bá Quyết cho rằng, khi đã là thủ thuật thì bác sĩ, nhân viên y tế đều phải tư vấn, giải thích cho bệnh nhân, bao gồm cả những tai biến, biến chứng có thể xảy ra nếu thực hiện thủ thuật đó. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, những bước này đều thực hiện tại phòng mổ.

Có 2 cách, thứ nhất là trước khi thực hiện cuộc đẻ, sản phụ sẽ được ký giấy mổ, có xét duyệt của Ban Giám đốc, Phòng Kế hoạch – Tổng hợp. Việc ký duyệt này sẽ được ký chung vào hồ sơ bệnh án, trong đó có tờ giấy cam kết thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, bao gồm việc khâu tầng sinh môn. Còn theo TS.BS Nguyễn Duy Ánh, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trước khi sinh, sản phụ sẽ thảo luận cùng bác sĩ việc này.

Theo TS.BS Vũ Bá Quyết, sản phụ có thể thực hiện thủ thuật ngay sau sinh. Với các bác sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao thì việc khâu lại sẽ đẹp, đảm bảo tính thẩm mỹ. “Nếu kỹ thuật tốt thì khâu tầng sinh môn và khâu thẩm mỹ không khác nhau gì cả. Bệnh viện Nhà nước không tính thêm tiền, còn có những phòng khám tư nhân thì “vẽ” ra để thu thêm tiền thôi”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay.

Cách thứ 2, là tiến hành sau sinh sau khi hết thời kỳ hậu sản. “Trên lý thuyết, sau khoảng 6-7 tuần thì sản phụ hết thời kỳ hậu sản, tuy nhiên, thủ thuật này nên được tiến hành vào khoảng từ 3-6 tháng sau sinh”, TS.BS Vũ Bá Quyết nói.

“Khâu thẩm mỹ tầng sinh môn ngay sau sinh hay không thì tuỳ theo quan điểm của thầy thuốc hoặc khách hàng. Tại Khoa Tạo hình thẩm mỹ, chúng tôi chỉ thực hiện sau sinh trên 3 tháng”, BS CK2 Nguyễn Thị Minh Tâm, Khoa Tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cho biết.

Còn theo khuyến cáo của TS.BS Lê Thị Thu Hà, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ, khách hàng nên đến viện vào buổi sáng và không ăn uống gì trước đó, bởi các bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm, khám phụ khoa trước để xem có bệnh lý gì về tử cung, cổ tử cung, phần phụ và âm đạo. Những trường hợp viêm nhiễm âm đạo cần phải điều trị trước khi khâu. Đặc biệt, nên tránh khâu vào những ngày sắp “nguyệt san” vì dễ làm vết thương bị nhiễm trùng nếu ngày kinh xuất hiện khi vết thương chưa lành. Tùy vào mức độ rộng và sa thành âm đạo mà nên khâu một hay cả hai thành âm đạo.

Theo tư vấn của các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, sau thủ thuật này, khách hàng sẽ được theo dõi tại bệnh viện khoảng từ 2-3 tiếng. Bệnh nhân cần vệ sinh vết may bằng thuốc sát khuẩn sau khi đi vệ sinh và tắm rửa hàng ngày. Bệnh nhân cũng cần luôn giữ vết may khô trong 2 tuần đầu. Bệnh nhân cần tránh sinh hoạt tình dục trong 8 tuần sau thủ thuật.

Các trường hợp không nên áp dụng phương pháp phẫu thuật thu nhỏ tầng sinh môn: Phụ nữ mang thai; đang trong kỳ kinh nguyệt; bị nhiễm khuẩn, nấm bộ phận sinh dục; bất thường về tâm lý...

Bệnh nhân cần trở lại bệnh viện khám khi xảy ra các triệu chứng như: Chảy máu nhiều (mà không phải chu kỳ kinh); sốt kèm theo dịch hôi hay đau nhức tại vùng âm hộ – âm đạo; các triệu chứng khó chịu khác như đau đầu, buồn nôn, nôn, nổi mẩn đỏ…

Theo Trang Nguyên

Sức khỏe & Đời sống