Suýt mất mạng do Đông y “vườn”

Sau khi bôi thuốc lên các khớp chân, bệnh không khỏi mà còn sưng phồng suýt phải tháo khớp.

Ngày 24/6, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết thời gian qua BV tiếp nhận không ít bệnh nhân đến cấp cứu do bị ngộ độc thuốc Đông y. Đa phần những ca bệnh này nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận cấp, nhiễm trùng huyết và tổn thương da toàn thân.

Suýt tháo khớp gối do bôi thuốc Đông y

Mới đây, chị TTH (Hà Nội) nhập BV Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy gan, suy thận nặng, xuất huyết dưới da nhiều nơi. Trước đó, chị H. mua hai lọ thuốc bột được quảng cáo là làm từ thảo dược giúp giảm cân. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sử dụng, chị đã phải nhập viện do ngộ độc nặng với thuốc.

Tại BV Nhi Trung ương cũng tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm độc do sử dụng thuốc Đông y. Điển hình là cháu TNV (một tuổi, Quốc Oai, Hà Nội). Trước đó do con biếng ăn, tăng cân kém, mẹ cháu đã mua một lạng thuốc cam (một loại thuốc Đông y) pha với nước cơm cho con uống trong một tháng. Thấy con ngày càng mệt mỏi, bỏ bú, rồi rơi vào trạng thái ngủ li bì, da tím tái, co giật, bà mẹ mới đưa đi BV cấp cứu. Kết quả cho thấy cháu V. bị nhiễm độc chì rất nặng.

BS Đào Hữu Nam, khoa Hồi sức cấp cứu - BV Nhi Trung ương, cho biết chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe, gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày, đường ruột, tim mạch và thận.

Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc do sử dụng thuốc Đông y của thầy lang không đáng tin cậy. Bà NTX (Bắc Ninh), một nạn nhân của việc sử dụng thuốc Đông y, cho biết do bị bệnh khớp chữa không hết, qua mách nước của nhiều người, bà tìm đến một thầy lang ở Bắc Giang lấy thuốc về bôi đắp lên các khớp chân. Tuy nhiên, sau một thời gian, phần da bôi thuốc nổi đỏ, sưng phồng, ngứa rát, sau đó lan rộng cả hai chân. Theo các bác sĩ điều trị, nếu để muộn thì nguy cơ phải tháo bỏ khớp gối là rất cao.

Bệnh nhân bị
trợt da toàn thân do ngộ độc thuốc Đông y. Ảnh: DL
Bệnh nhân bị trợt da toàn thân do ngộ độc thuốc Đông y. Ảnh: DL

Những nguyên nhân gây ngộ độc

Ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết nguyên nhân ngộ độc thuốc Đông y có thể do trình độ của người thầy thuốc kém dẫn đến chẩn đoán sai bệnh, kê sai đơn thuốc. Ngoài ra, cũng có thể do cách sao tẩm không đúng cách. Cạnh đó, ngộ độc cũng do uống quá liều.

“Nhiều người lầm tưởng cứ thuốc Đông y là bổ và vô hại nên uống một cách lung tung không theo hướng dẫn của thầy thuốc, lạm dụng uống quá nhiều nên có thể gây ra ngộ độc”, ông Hướng nói.

Ông Hướng cũng cho biết theo quy định ở Việt Nam thuốc Đông y không được pha với Tây y, tuy nhiên một số thầy thuốc đã pha vì cho rằng để tăng tác dụng của bài thuốc. Việc pha trộn thuốc bừa bãi có thể gây ra hậu quả không mong muốn.

BS Nguyễn Trung Cấp còn chỉ ra một nguyên nhân trực tiếp khác là do hậu quả của những hóa chất dùng trong quá trình bảo quản, chế biến thuốc như lưu huỳnh, phốt pho, thủy ngân để chống ẩm mốc. Thống kê của Viện Dược liệu cho thấy hiện 30% dược liệu đang được lưu hành chứa nấm mốc, nhất là aflatoxin. Độc tố này có trong dược liệu gây tổn thương gan, ung thư gan. Có những loại độc tố không bị diệt ở nhiệt độ cao (ngay cả khi đun lên tới 200 độ C), do đó khi sắc thuốc độc tố vẫn còn.

Bệnh nhân bị
trợt da toàn thân do ngộ độc thuốc Đông y. Ảnh: DL
Những lọ thuốc Đông y không nhãn mác này đã khiến một bệnh nhân tử vong. (Ảnh do BS Nguyễn Trung Cấp cung cấp)

Đừng nghe lời đồn thổi

Theo ông Hướng, nếu dùng thuốc Đông y không đúng sẽ gây ra các biểu hiện của ngộ độc thuốc như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, mẩn ngứa trên da. Hậu quả nặng nhất có thể là suy gan, suy thận và dẫn đến tử vong.

Ông Hướng khuyến cáo nên thận trọng với những lời đồn thổi về những thầy lang vườn, không cẩn thận sẽ tiền mất tật mang.

“Người dân nên tìm đến những nơi có uy tín lâu năm, có giấy phép hành nghề, các BV Đông y để được bắt mạch, kê đơn, tránh tự ý mua thuốc ở các cơ sở nhỏ lẻ về điều trị. Sử dụng theo chỉ định của người thầy thuốc, không dùng tùy tiện theo mách bảo của người khác” - ông Hướng nói.

Thuốc Bắc suýt gây chết người

Ngày 11/6, khoa Hồi sức chống độc BV 115 (TPHCM) tiếp nhận một bệnh nhân nữ (60 tuổi, phường 10, quận Tân Bình) trong tình trạng mạch nhanh, tím tái, khó thở, nôn ói nhiều lần. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ do uống thuốc Bắc để chữa đau thần kinh tọa. Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu tích cực và đã qua cơn nguy kịch. Theo lời bệnh nhân, bà tình cờ gặp một lương y và được tặng một bịch thuốc Bắc dạng bột chữa đau thần kinh tọa. “Thầy” dặn pha một muỗng cà phê thuốc vào một chén nước rồi uống. Vừa uống xong, bà nôn thốc nhiều lần và ngất lịm. TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV 115, cho biết đây là trường hợp sốc thuốc rất nặng do uống thuốc Bắc không rõ nguồn gốc. Nếu không cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao.

Trong Đông y có những thuốc độc nhưng qua sao tẩm với các thành phần khác thì khử tính độc đi và tăng tác dụng của nó lên. Tuy nhiên, do không biết cách sao tẩm nên cũng sẽ gây ngộ độc cho người dùng.

Ông Nguyễn Xuân Hướng

nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam

Theo Huy Hà

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm