Suýt chết vì chẩn đoán nhầm sốt rét thành sốt xuất huyết
(Dân trí) - Theo báo cáo của BS Phan Thị Hạnh, Đội Y tế Dự phòng Huế, một bệnh nhân thành phố vào điều trị ở bệnh viện bị nguy kịch, suýt chết vì mắc bệnh sốt rét xác định muộn do chẩn đoán ban đầu là sốt xuất huyết.
Tại thành phố Huế, thời điểm có sốt xuất huyết đang phát triển ở địa phương, bệnh nhân Hoàng Ngọc L. 46 tuổi, đến bệnh viện ngày 19/6/2010, với các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng được ghi nhận. Bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết và điều trị theo bệnh sốt xuất huyết.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh có tình trạng diễn biến xấu hơn, bị sốt cao liên tục, có dấu hiệu rối loạn ý thức...
Ngày 22/6/2010, các bác sĩ đã hội chẩn, thu thập thêm thông tin từ người nhà ghi nhận người bệnh làm nghề thợ cơ khí, thường có các hoạt động đi rừng, đi Lào. Một xét nghiệm cận lâm sàng được thực hiện bổ sung, kết quả lam máu phát hiện bệnh nhân bị mhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum, thể tư dưỡng, mật độ +++ (FT+++). Thuốc Artesunate tiêm được sử dụng khẩn cấp theo chỉ định điều trị để đưa người bệnh ra khỏi tình trạng nguy kịch, sau đó tiếp tục sử dụng thuốc uống CV Artecan. Diễn biến bệnh khả quan hơn và sau 1 tuần điều trị, theo dõi; bệnh nhân được xuất viện.
Trường hợp này tương tự như bệnh nhân Chính, 25 tuổi, tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5/2010. Anh Chính sau 1 tuần đến bệnh viên tư nhân với chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết không khỏi; khi hôn mê mới chuyển đến Bệnh Viện Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng quá muộn và chịu hậu quả tử vong vì bị biến chứng trầm trọng của sốt rét ác tính.
Mặc dù thành phố Huế không ở trong vùng sốt rét lưu hành nhưng ở trong bối cảnh sốt xuất xuyết đang phát triển. Các bác sĩ của bệnh viện đã có sự cảnh báo tốt, giúp phát hiện, chẩn đoán bệnh sốt rét từ yếu tố dịch tễ khai thác được và điều trị bệnh sốt rét kịp thời sau khi người bệnh ban đầu được chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết không đáp ứng.
Đây là một bài học kinh nghiệm cho các cơ sở điều trị khác cần phải cảnh giác. Trong tình hình sốt xuất huyết đang phát triển, nếu người bệnh có yếu tố dịch tễ sốt rét liên quan như đang ở hoặc qua lại vùng sốt rét lưu hành, có tiền sử mắc sốt rét trong 2 năm gần đây; bệnh nhân cần phải được xét nghiệm máu để phát hiện ký sinh trùng sốt rét một cách đầy đủ, giúp cho việc chẩn đoán sớm, điều trị bệnh kịp thời và hạn chế tử vong. Một điều các cơ sở y tế nên chú ý, quan tâm là đừng để người bệnh tử vong do chẩn đoán nhầm sốt rét với sốt xuất huyết.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh