Suýt chết vì bị hóc dị vật
Bé Bùi Thị Xuân Mai, 17 tháng tuổi (ở Kim Long, Tam Dương, Vĩnh Phúc), bị hóc khi người lớn cho ăn lạc củ. Bé Mai ho sặc sụa ngay lúc đó rồi trở nên mệt mỏi, đòi đi ngủ. Trong lúc bé ngủ, chị Lan - mẹ bé - hốt hoảng vì phát hiện Mai ngừng thở, tím tái toàn thân. Khi nhập viện, bé Mai đã bị suy hô hấp, buộc phải thở máy.
Trẻ rất dễ bị hóc
Tiến sĩ Đào Minh Tuấn, phó trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết trẻ em là đối tượng dễ gặp tai nạn dị vật đường thở nhất. Lý do: thấy bất cứ vật gì trẻ cũng thích cho vào miệng ngậm, rồi nuốt trôi vào cuống họng lúc nào không hay.
Hiện tại khoa hô hấp đang lưu giữ đến hơn... 100 mẫu hạt được gắp ra từ những bệnh nhi bị chèn ép đường thở do dị vật, gồm các loại hạt quả, đồ chơi, hạt nhựa, khuyên tai, cúc áo, đuôi bút bi, hạt cườm...
Theo tiến sĩ Tuấn, hậu quả của loại tai nạn bất ngờ này rất khó lường. Không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong ngay do bị ngạt khí. Trường hợp may mắn thoát khỏi tình trạng chết ngạt thì để lại di chứng nặng nề. Trẻ bị ngừng thở kéo dài sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy não dẫn đến di chứng não, sống đời sống thực vật.
Sai lầm của cha mẹ
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cảnh báo: hóc dị vật đường thở ở trẻ rất nguy hiểm, nếu phụ huynh không để ý có thể làm nguy hại tính mạng trẻ.
Các bác sĩ cảnh báo người lớn cần tập cho trẻ thói quen ăn trong yên tĩnh, không đùa nghịch. Không cho trẻ nghịch những đồ chơi tròn, nhỏ, không nên cho trẻ đeo vòng có hạt. Chưa kể thức ăn thông thường cũng có thể trở thành dị vật nếu như trẻ đang ăn mà khóc.
Điều này nhắc nhở nhiều bậc phụ huynh vẫn có thói quen thấy trẻ biếng ăn là dùng ngay biện pháp “bịt mũi để ép mở miệng” hết sức nguy hiểm.
Một quan niệm sai lầm là nhiều bậc phụ huynh thấy con bị hóc thức ăn, đồ chơi... là vội vàng cho tay vào miệng trẻ để móc ra. Biện pháp này vô tình lại đẩy dị vật vào sâu hơn, nhất là dị vật tròn thì càng nguy hiểm.
Thực tế, biện pháp sơ cứu tốt nhất đối với trẻ dưới hai tuổi là các bậc phụ huynh nên đặt trẻ nằm đầu thấp, sấp trên một tay, tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ tạo áp lực trong lồng ngực để đẩy dị vật ra. Với trẻ lớn hơn, các bậc phụ huynh ôm lấy ngang bụng trẻ, ép bụng trẻ lại, dị vật vọt ra dễ dàng hơn.
Theo Tuổi trẻ