1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đắk Lắk:

Suy đa cơ quan, bầm tím toàn thân sau ăn tiết canh lợn

(Dân trí) - Sau khi gia đình mổ thịt lợn và có làm tiết canh, bà B. ăn xong thì có nhiều biểu hiện lạ trên cơ thể và được đưa đi cấp cứu trong tình trạng tím tái toàn thân.

Ngày 7/2, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa phát hiện một trường hợp bệnh nghi bị nhiễm liên cầu lợn đó là bệnh nhân Phạn Thị B. (SN 1966, ngụ thôn Ea Duất, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn).


Bệnh nhân nghi bị nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh (ảnh minh họa)

Bệnh nhân nghi bị nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh (ảnh minh họa)

Trước đó, vào ngày 26/1 bà B. khởi phát bệnh với nhiều triệu chứng như sốt, nôn, ói nhiều lần. Đến ngày 29/1, gia đình đã đưa bà B. đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn và sau đó chuyển đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk trong tình trạng tím tái toàn thân, không đo được mạch huyết áp, xuất huyết dạng mảng bầm tím ở vùng da cổ và ngực cánh tay.

Sau vài ngày nhập viện, tình trạng bệnh không thuyên giảm nên ngày 31/1, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy – TP.Hồ Chí Minh với chuẩn đoán nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan, nghi nhiễm liên cầu lợn.

Theo kết quả điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho thấy cách đó hơn 1 tuần gia đình của bệnh nhân cólàm thịt lợn và bà B. có ăn tiết canh lợn. Tuy vậy, cũng có một số người nhà bà B. cũng ăn tiết canh nhưng lại không có triệu chứng mắc bệnh.

Trước thông tin có một trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm liên cầu lợn Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn theo dõi chặt chẽ những người cùng ăn tiết canh lợn với bệnh nhân và theo dõi toàn địa bàn. Đồng thời, khoanh vùng điều tra, xử lý ổ dịch.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh lợn, thịt sống, nội tạng động vật và phải thường xuyên khử trùng chuồng trại để tránh mắc bệnh.

Thúy Diễm