Sửa chữa tổn thương của tế bào - hướng đi mới của y học hiện đại

Nam Phương

(Dân trí) - Công nghệ y sinh đang là hướng phát triển của khoa học y tế trong tương lai. Trên thế giới đã có nhiều thành tựu trong việc sửa chữa, phục hồi các tổn thương của tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể.

Đây là nội dung hội thảo khoa học về Kỹ thuật và Công nghệ Y sinh học diễn ra ngày 24/11, do Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Tổ chức nghiên cứu tái tạo, môi trường, y tế Nhật Bản tổ chức. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động ngoại giao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều hoạt động hợp tác về đào tạo y khoa, nghiên cứu khoa học. Nhật Bản đã giúp đỡ đào tạo cho Việt Nam hàng trăm nhà khoa học và các bác sĩ giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu.

Sửa chữa tổn thương của tế bào - hướng đi mới của y học hiện đại - 1

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: H.L).

Tại hội thảo lần này, đơn vị nghiên cứu của Nhật đã kết nối mời các nhà khoa học từ các trường đại học nổi tiếng của Nhật Bản đến để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức học thuật trong lĩnh vực công nghệ y sinh.

Đây là lĩnh vực rất phát triển ở Nhật Bản, đạt được rất nhiều thành tựu to lớn và cũng là lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên phát triển trong tương lai.

Theo Thứ trưởng Thuấn, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 189 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 30/1 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. 

"Tôi tin tưởng rằng thông qua hội thảo, các nhà khoa học của hai quốc gia cùng trao đổi chia sẻ ý tưởng và các kết quả nghiên cứu. Qua đó đề xuất cho Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan các định hướng phát triển công nghệ y sinh nhằm bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân", Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh. 

Sửa chữa tổn thương của tế bào - hướng đi mới của y học hiện đại - 2

GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh: H.L).

GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, cũng cho biết, hội nghị là một dấu ấn quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực y học. Các lĩnh vực khoa học y học mũi nhọn của thế kỷ 21 là y học cơ sở, y học cộng đồng và y học lâm sàng. 

Vì thế, hội thảo là cơ hội đặc biệt quan trọng, là cầu nối, mở ra triển vọng hợp tác to lớn giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực y học. 

Trên thế giới đã có rất nhiều thành tựu trong việc sử dụng công nghệ tế bào, các sản phẩm sinh học… sửa chữa, phục hồi các tổn thương của tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể giúp phục hồi và nâng cao sức khỏe. 

Hội thảo là diễn đàn để các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và điều trị của hai quốc gia cùng chia sẻ các kiến thức kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ y sinh học. Đây là lĩnh vực rất phát triển và đạt được rất nhiều thành tựu to lớn ở Nhật Bản.

Lĩnh vực y học tái tạo là một trong những nội dung trọng tâm của hội thảo. Đây là hướng nghiên cứu ứng dụng được các nhà khoa học trên thế giới đặc biệt quan tâm trong những năm qua. 

9 báo cáo khoa học tập trung vào các chủ đề như y học tái tạo não dựa trên công nghệ thúc đẩy sự di chuyển của tế bào thần kinh, ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư…

Sự phát triển của các phương pháp điều trị ung thư dựa trên miễn dịch đã được tích cực nghiên cứu trong nhiều năm. Một chiến lược đã nổi lên như một chiến lược hiệu quả tiềm năng để điều trị ung thư là liệu pháp tế bào miễn dịch.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm