Sự tiếc nuối muộn màng của người đàn ông 33 tuổi đã bị ung thư phổi

Nam Phương

(Dân trí) - "Nếu biết như thế này, tôi sẽ quyết tâm từ bỏ thuốc sớm hơn" là lời chia sẻ của người đàn ông ở Ninh Bình khi nhận "án tử" ung thư phổi khi mới ở độ tuổi 33.

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. 

Năm 2020, Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi. Đây thực sự là con số đáng báo động.

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân mắc ung thư phổi đều hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có khoảng 4000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyrene là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm.

Trường hợp anh Bùi Văn Hùng, 33 tuổi quê tại Ninh Bình là một ví dụ. Anh đến khám tại Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) khi thấy triệu chứng tức ngực, khó thở, người mệt mỏi. Anh đã rất bất ngờ khi bác sĩ thông báo có u ác ở phổi. 

Anh Hùng bắt đầu hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, hiện giờ là được 15 năm, ngày hút nhiều nhất là 1,5 đến 2 bao thuốc. Gần đây, anh chuyển sang hút thuốc lá điện tử, được 6 tháng thì phát hiện bị ung thư phổi. 

Sự tiếc nuối muộn màng của người đàn ông 33 tuổi đã bị ung thư phổi - 1

Hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, anh Hùng không ngờ mình phải nhận cái kết đắng là ung thư phổi khi mới ở độ tuổi 33. 

"Đến khi bị bệnh thì tôi mới bỏ hẳn thuốc lá, giờ tôi rất ân hận. Vì nếu biết như thế này tôi sẽ quyết tâm từ bỏ thuốc sớm hơn không để lại hậu quả như bây giờ, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, khiến gia đình thêm lo lắng và gánh nặng này sẽ kéo dài", anh Hùng nói.

Cùng phòng bệnh với anh Hùng, bác Long Xuân Hiền 60 tuổi quê tại Lạng Sơn phát hiện 2 khối u ở phổi từ năm 2000, hiện bệnh di căn xương. 

Ông bắt đầu hút thuốc lá từ năm 18 tuổi. Với công việc trước đây thường xuyên làm đêm, cứ từ 7h tối đến 5h sáng hôm sau, ông hút ít nhất là 2 bao một đêm. Khi các con lớn dần, có cháu nhỏ, khuyên mãi nên ông cũng bỏ được thói quen hút thuốc. Thời gian đầu bỏ thuốc, ông cũng có lúc nản lòng vì đó là thói quen lâu năm rồi.

Đến năm 2000, thấy làm việc nặng là khó thở, tức ngực khi vận động, đi khám thì phát hiện ung thư phổi và đến bây giờ khối u di căn. 

"Cuộc chiến của tôi có lẽ còn dài. Giờ ân hận lắm, tôi thấy có lỗi với con cháu và gia đình mình. Giá như tôi không hút thuốc lá thì có lẽ sẽ không để lại hậu quả như thế này", ông Hiền bùi ngùi nói. 

Sự tiếc nuối muộn màng của người đàn ông 33 tuổi đã bị ung thư phổi - 2
90% bệnh nhân mắc ung thư phổi đều hút thuốc lá.

Sự ân hận, tiếc nuối cho sức khỏe và thời gian của mình cũng như là người thân trong gia đình luôn hiện hữu trên gương mặt của rất nhiều bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại Bệnh viện K. Bởi việc tránh xa thuốc lá hay từ bỏ thói quen này là vấn đề mỗi người hoàn toàn có thể chủ động làm được. Nhưng đa phần người bệnh điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện K lại chỉ từ bỏ thói quen này khi đã có dấu hiệu mắc bệnh. 

Tiên lượng ung thư phổi rất dè dặt

Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Việt Nam nằm ở Đông Á là một trong 3 khu vực có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao nhất thế giới cùng với Bắc Mỹ và châu Âu.

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính. Trong nhiều năm qua, dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị (hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, thuốc nhắm trúng đích liên tục được cập nhật) nhưng tiên lượng vẫn còn rất dè dặt. Tỷ lệ tử vong vẫn cao.

Ung thư phổi khiến người bệnh bị suy giảm sức khỏe toàn trạng, nhiều người không thể tham gia hết được liệu trình điều trị, hoặc sau điều trị thành công vẫn có khả năng tái phát.

Đáng lưu ý, theo PGS Quảng, ngay cả khi phát hiện rất sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm cũng không cao như các loại ung thư khác, chỉ 8- 44%. Tại Việt Nam, cũng có rất ít bệnh nhân ung thư phổi sống được 5-6 năm.

Với những trường hợp bị ung thư phổi di căn, thời gian sống chỉ được 3-6 tháng do ung thư phổi tiến triển nhanh.

Phòng bệnh

Ung thư phổi cũng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Vì thế, dự phòng bệnh được coi là chiến lược quan trọng nhất. Theo đó, người dân không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.

Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.