1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sứ mệnh thiêng liêng của những người chuyển, trao ánh sáng

Họ mang những tấm lòng thiện nguyện của những con người đầy tình yêu thương nhân thế dù ra đi vẫn muốn sẻ chia cả đôi mắt - hạt ngọc ánh sáng - lại cho thế gian, giúp bừng dậy ánh sáng cho những kiếp người đang mông lung trong bóng tối, đã được chuyển trao trọn vẹn.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng
Anh Nguyễn Hữu Hoàng, PGĐ Ngân hàng Mắt, BV Mắt TƯ

Vượt qua thử thách áp lực tâm lý

Tiếng chuông điện thoại lúc 1h đêm khiến anh Nguyễn Hữu Hoàng, PGĐ Ngân hàng Mắt (NHM), BV Mắt TƯ, bừng tỉnh giấc. Phía bên kia đầu dây là bác Nguyễn Đình Tú, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Cồn Thoi (huyện Kim Sơn, Ninh Bình). Anh Hoàng vơ vội chiếc áo rét, cho kịp chuyến xe xuống Ninh Bình lấy giác mạc của một người hiến vừa qua đời.

Chiếc xe ôtô đưa kíp kỹ thuật viên của NHM tới nơi ở của người hiến giác mạc hôm đó là bác V.T.H (64 tuổi, ở xóm 7, xã Cồn Thoi) cũng đã hơn 4h sáng. 7 năm qua, từ khi cụ bà Nguyễn Thị Hoa - người dân xứ đạo này trở thành người đầu tiên hiến giác mạc - thì Cồn Thoi cũng trở thành quê hương của phong trào hiến tặng giác mạc. Đây là ca hiến giác mạc thứ 155 được NHM thu nhận ở đây.

Trước lúc mất, bác H đã có di nguyện được hiến giác mạc, nhưng vẫn không thể bỏ qua thủ tục làm biên bản thu nhận giác mạc giữa NHM với phía gia đình. Với rất nhiều người, quan điểm chết phải toàn thây vẫn là một tiềm thức ăn sâu chưa dễ vượt qua. Vì thế, chỉ cần 1 người thân còn có ý kiến phản đối thì công việc sẽ không thể tiến hành.

Thắp nén nhang cho người quá cố, kíp kỹ thuật xin phép gia đình bắt tay ngay lấy giác mạc để kịp thời gian, không quá 8 tiếng đồng hồ. Ngoài thân nhân của người qua đời, thường còn có xóm giềng tới để tận mắt xem chuyện lấy giác mạc có kinh khủng lắm không.

Nhất cử, nhất động của người kỹ thuật viên, từ lúc chuẩn bị trang phục, đeo găng tay, khẩu trang và lấy dụng cụ, nhất là thao tác bóc tách lớp giác mạc trên đôi mắt người hiến đều được hàng chục con mắt đổ dồn và gần như nín thở theo. Nếu tâm lý không vững, các kỹ thuật viên NHM không dễ vượt qua áp lực này.

Giác mạc - lớp màng mỏng có đường kính xấp xỉ 1cm - khi được lấy ra phải không bị co kéo, nhăn nhúm, gấp nếp trước khi đưa vào bảo quản trong lọ dung dịch. Do đó, công việc này yêu cầu sự chính xác và tỉ mẩn, nếu mọi nỗ lực từ lúc các cộng tác viên chữ thập đỏ tư vấn để gia đình và người đồng ý hiến giác mạc trước khi qua đời, êkíp kỹ thuật viên NHM di chuyển hàng trăm cây số… đều uổng phí.

Nguyễn Hữu Hoàng được đào tạo chính quy ở Ấn Độ, và trở thành kỹ thuật viên đầu tiên lấy giác mạc của NHM, đến giờ vẫn cảm nhận được rõ áp lực đó. Lẽ thường, khi giác mạc đầu tiên được lấy suôn sẻ, sự quan tâm tò mò của người dân sẽ vơi bớt đi.

Nhiều người thở phào: “Hóa ra chỉ lấy màng mỏng thế thôi à, đâu phải là lấy cả mắt. Thế thì tôi cũng hiến được”, đám đông cũng thưa dần. Khi đó, giác mạc thứ 2 sẽ lấy được nhanh hơn. Với kinh nghiệm thao tác trên hàng trăm trường hợp, thời gian để để lấy của anh Hoàng chỉ chưa đầy 30 phút.

Việc lấy giác mạc của bác H đã diễn ra thuận lợi vì các thành viên gia đình không ai có ý kiến ngược lại. Thêm nữa, đôi mắt của người quá cố không quá nhỏ và quá sâu nên dễ thao tác hơn. Với nhiều trường hợp, giường nằm ở vị trí thấp, người kỹ thuật viên cúi và tập trung thao tác hơn nửa giờ đồng hồ, khi xong việc cũng đã mỏi vai cổ rất lâu.

Sự
ký thác thiêng liêng

Sự ký thác thiêng liêng

Khi đôi giác mạc đã được bảo quản an toàn trong dung dịch, trời mới bắt đầu sáng. Họ ở lại trò chuyện, chia sẻ cùng gia đình, rồi lại vội vã trở về Hà Nội để kịp thời đưa giác mạc vào bảo quản. Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy người hiến không bị mắc các bệnh truyền nhiễm như: HIV, viêm gan B, viêm gan C, bệnh dại… giác mạc sẽ được đưa vào xử lý, chờ ghép cho những bệnh nhân đang mong chờ tìm lại ánh sáng.

7 năm qua, Nguyễn Hữu Hoàng và 2 đồng nghiệp không biết bao nhiêu lần nghe cùng một câu hỏi: “Liệu làm như thế, có bị ám ảnh”. Song việc lấy giác mạc của người qua đời và ghép cho một người bệnh đang cần, anh Hoàng tự ví von mình là người nhận sự ký thác thiêng liêng của những người đã khuất chuyển trao lại ánh sáng cho những người khác.

Và với người đang được lấy giác mạc, anh Hoàng cũng luôn nhìn thấy đó như là một bệnh nhân đang nằm ngủ, cần thao tác khéo léo để tránh cho người bệnh đau đớn.

Thực hiện thiện nguyện của một con người có nghĩa cử cao đẹp, luôn quan niệm như thế nên anh Hoàng chưa một lần thấy mộng mị hay điều gì tương tự.

Là kỹ thuật viên của NHM - đó là nghề và với các cán bộ của ngân hàng này, đó cũng là nghiệp. Công việc đã rèn cho anh Hoàng sự cẩn thận, thâm trầm hơn nhiều so với những ngày đầu tiên. Thậm chí, ngay cả khi vui bạn bè, anh Hoàng cũng dặn mình không được quá chén. Bởi khi có điện thoại báo có người qua đời hiến giác mạc, họ đều phải lên đường ngay, bất cứ thời gian nào đêm hay ngày, thời tiết tốt hay xấu.

Một hình ảnh thiếu thiện cảm của cán bộ NHM trong thời khắc quan trọng của gia đình đang tang gia chắc chắn sẽ là một điểm trừ trong con mắt người dân. Mỗi người hiến giác mạc là có thêm cơ hội sáng mắt cho 2 người. Trong khi đó, vận động được một người hiến giác mạc là kết quả xây đắp từng ngày, từng tháng qua nhiều năm của biết bao người tâm huyết.

Phong trào hiến tặng giác mạc đã được gây dựng từ xứ đạo Cồn Thoi suốt 7 năm qua, với gần 300 giác mạc được hiến ở đây, chiếm 70% số lượng giác mạc được hiến trong cả nước. Ngoài Kim Sơn, đã có một số giác mạc được người dân ở rải rác các tỉnh/TP Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Ninh hiến tặng.

Nhưng để gây dựng và duy trì được nghĩa cử hiến giác mạc đông đảo như ở Kim Sơn không dễ dàng, nếu không có sự tham gia của chính quyền địa phương, Hội chữ thập đỏ, các cha xứ tâm huyết với phong trào nhân đạo và chính người dân nơi đây.

Năm 2013, NHM đã lấy được giác mạc từ 40 người hiến, vượt qua “giới hạn” 36 ca hiến/năm trong rất nhiều năm trước đó. Thế mà, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, đã có 15 ca hiến giác mạc. Ai cũng hy vọng đó là những dấu hiệu khởi sắc của một năm mà NHM sẽ “giàu có”. Tủ bảo quản giác mạc sẽ có nhiều “vốn” hơn. Có như thế, danh sách chờ đợi hơn 1.000 người có chỉ định ghép giác mạc mới có thể rút ngắn nhanh hơn...

Tuy nhiên, đến nay cả trong nam và ngoài bắc hiện chỉ có 3 người như anh Hoàng ở NHM - BV Mắt T.Ư, 1 người ở NHM thuộc Quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM thực hiện công việc “người truyền trao ánh sáng”.

Họ là những người thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, mang những tấm lòng thiện nguyện của những con người đầy tình yêu thương nhân thế dù ra đi vẫn muốn sẻ chia cả đôi mắt - hạt ngọc ánh sáng - lại cho thế gian, giúp bừng dậy ánh sáng cho những kiếp người đang mông lung trong bóng tối, đã được chuyển trao trọn vẹn…

Theo Quang Duy

Lao động