Sự cố "nổ" ngực

Ngày nay, những phụ nữ đi "mông má" lại đôi gò bồng đào không còn là chuyện hiếm. Theo các chuyên gia tạo hình thẩm mỹ đầu ngành thì không có kiểu "túi silicon vỡ trào dịch ra ngoài"... nhưng vẫn có những tai biến.

Vỡ, xẹp và biến dạng

 

Chị Hoàng Kim H, 37 tuổi (Hà Nội) tiến hành phẫu thuật nâng ngực bằng túi nước biển với dung tích 160cc từ năm 2002 tại một phòng khám tư nhân ở Hà Nội. Cuộc phẫu thuật được tiến hành chóng vánh và sau 8 tiếng, chị H đã có thể về nhà. Hoan hỉ vì không đau, giấu được mọi người xung quanh, đặc biệt là có được bộ ngực như ý muốn, chị H cũng không thấy tiếc cả cục tiền bỏ ra.

 

Nhưng sau đó 6 tháng, ngực trái của chị dần nhỏ đi. Lúc đầu, chị H tưởng là bình thường, nhưng sau năm đầu tiên thì cả hai bên ngực đã lệch nhau đáng kể. Ngực bên trái cứ như quả bóng bị châm kim, xì hơi mỗi ngày một chút. Đến khi phát hiện ra thì cũng là lúc ngực trái đã “vơi” đi một nửa so với ngực phải.

 

Đến khám và tư vấn các bác sỹ của khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn, chị mới biết một bên ngực của mình có hiện  tượng “thủng” túi nước biển từ mấy năm nay, nước trong túi cứ rò rỉ ngấm vào trong người mà chị không biết.

 

Hiện tượng này xảy ra do dùng túi nước biển chất lượng thấp, do kỹ thuật đặt túi không đúng gây gập và rách túi hoặc do nước bị thoát dần qua van trên mặt túi độn ngực. Sau đó chị được thay túi nước biển bằng túi gel silicon, một loại túi ít có nguy cơ xẹp như túi nước biển.

 

Thời gian phẫu thuật nâng ngực chỉ khoảng 50 phút nhưng trước đó, bệnh nhân cần phải được bác sĩ tư vấn kỹ về kỹ thuật cũng như những tai biến khó tránh khỏi.

 

Bệnh nhân trước khi làm phẫu thuật cũng được xét nghiệm máu, nước tiểu, X-quang, điện tâm đồ (kiểm tra tim mạch). Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, suy gan thận, tinh thần không ổn định, đều chống chỉ định với phẫu thuật nâng ngực.

 

Chị Nguyễn Thu P., 42 tuổi (Hà Nội) cũng khổ sở vì túi ngực đặt từ năm 2005 và đến nay thì một bên cũng “biến dạng”. Một bên ngực bị biến dạng, teo tóp vì thủng túi nước biển phía trong. “Tôi vừa phẫu thuật lại, thay cả hai túi ngực nước biển bằng túi gel đảm bảo hơn. Các bác sỹ tại BV Xanh Pôn cho biết, họ đã tiến hành đặt lại túi ngực cho tôi bằng phương pháp đặt sau cơ”, Chị P. cho biết.

 

Trường hợp chị Võ Thị H, 39 tuổi (Thái Nguyên) cũng phải đến “nhờ bác sỹ thay hộ chất liệu khác” vì bị xẹp dúm. Trước đây, trong lần phẫu thuật đặt túi độn ngực, chị H. bị chảy máu xung quanh nơi đặt túi độn. Do không được xử trí kịp thời nên ngực bên chảy máu trở nên thâm bầm tím tái, căng và đau tức. Chị H. phải chịu đựng như vậy trong hai tuần lễ. Nhưng sau đó 6 tháng, ngực bên chảy máu trở nên cứng hơn.

 

Theo các bác sĩ, chị H. bị tụ máu sau khi phẫu thuật. Máu không thoát được hết ra ngoài nên tụ lại bên trong gây sưng tấy và đau đớn. Các phần máu này đọng lại và tạo ra lớp xơ dày xung quanh túi độn ngực.

 

Theo đánh giá của các bác sỹ, trường hợp chị H. bị gây xơ chính là vì do kỹ thuật đặt túi độn phía trước cơ, thao tác phẫu thuật lâu (cuộc mổ kéo dài 2 - 4 giờ), điều kiện vô trùng không đảm bảo, việc cầm máu cũng không cẩn thận, không đặt ống dẫn lưu sau mổ là những yếu tố gây bao xơ quanh túi độn, một lý do làm biến dạng ngực sau khi phẫu thuật. Ca phẫu thuật sửa lại cho chị H. được tiến hành phẫu thuật bóc toàn bộ dải xơ, bóc túi nước biển vỡ, thay thế bằng chất liệu gel silicon.

 

Phần lớn là do sự cẩu thả về chuyên môn

 

Tại Khoa phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn cũng nhận nhiều bệnh nhân bị “rò rỉ” túi ngực, biến dạng ngực, đến chỉnh sửa, tạo hình lại. Phần lớn, những bệnh nhân này tiến hành phẫu thuật nâng ngực ở những cơ sở không phải là bệnh viện. Nhiều bệnh nhân bị  đặt túi ngực một cách cẩu thả từ những bác sỹ chưa thạo chuyên môn. Ví dụ như khi phẫu thuật phần mở rộng da không đủ chỗ để cho vừa túi ngực định đặt. Cũng do vì quá chật, nên túi ngực đặt bị gấp nếp, lâu ngày dẫn đến chèn ép và vỡ.

 

Cũng có những “tai nạn” dở khóc, dở cười như nhiều phụ nữ chọn túi ngực hình giọt nước đặt nâng ngực. Nhưng do các bác sỹ tay nghề không cao đặt, túi ngực bị “chạy”, phần to lại lên trên, phần nhỏ lại quay xuống dưới. Theo BS Sơn, đây chính là do sự cẩu thả trong kỹ thuật. Về nguyên tắc, tất cả các túi ngực khi đặt trong cơ thể đều dịch chuyển. Nếu không tính toán đặt chính xác sẽ gây ra những tình huống “đảo ngược” như vậy.

 

Theo BS Sơn, phương pháp an toàn nhất hiện nay, dù là túi huyết thanh hay túi gel, là đặt túi ngực sau cơ. Trên thế giới, các phẫu thuật viên rất hay áp dụng phương pháp này, mặc dù kỹ thuật này rất khó thực hiện. Và chất liệu để nâng ngực thường được sử dụng gel dính, vì cho dù có sự cố “vỡ” vỏ thì dung dịch cũng không thấm ra các tổ chức xung quanh.

 

“Phần lớn những ca phẫu thuật gây những biến chứng nặng nề là do đặt túi ngực ở trước cơ. Phẫu thuật này giúp các bác sỹ tiết kiệm thời gian hơn nhưng lại không làm ngực trông tự nhiên và dễ xảy ra chuyện “vỡ” thoát dung dịch hơn là đặt sau cơ”, BS Sơn cho biết.

 

BS Sơn tư vấn, khi thấy ngực có xu hướng xẹp và biến dạng cần đến kiểm tra ngay, vì nếu để lâu sẽ sinh ra các túi xơ xung quanh, gây đau tức. Phụ nữ sau khi tạo hình ngực, cần kiểm tra thường xuyên 6 tháng/lần để nếu có những biến chứng sẽ được can thiệp kịp thời.

 

Đặt túi ngực cỡ bao nhiêu thì tốt?

 

Hầu hết phụ nữ chọn những kích cỡ ở vào khoảng 200cc (cỡ một trái chanh), 300cc (cỡ một trái cam) hoặc 400cc (cỡ một trái bưởi nhỏ). Các túi ngực có thể nhỏ tới 90cc hoặc lớn đến 800cc.

 

Đường rạch da nào là tốt nhất?

 

Vết rạch ở nách: Vị trí này được coi là tốt nhất cho những phụ nữ có vòng ngực đẹp, cơ ngực nhỏ và không có nếp nhăn ở ngực. Tuy nhiên vết rạch ở vị trí này đòi hỏi sự khéo léo và nếu phải phẫu thuật lại thì rất khó thực hiện. Hơn nữa đường rạch này dễ chảy máu, mất cảm giác đầu vú do thao tác thô bạo...

 

Vết rạch nếp vú dưới: Khoảng 20% số phụ nữ thực hiện vết rạch ở vị trí này, dọc theo dưới bầu ngực. Đây là nơi dễ dàng nhất để thực hiện phẫu thuật và cũng là nơi đơn giản nhất khi cần phẫu thuật lại, đồng thời vết rạch ở đây cũng khó nhận thấy với những người da trắng và không bị sẹo lồi.

 

Vết rạch ở núm vú: Vị trí này giúp che giấu sẹo tốt vì bác sĩ sẽ cắt quanh quầng vú. Đây là đường rạch da khó nhất và có nguy cơ bị mất cảm giác ở núm vú nếu phẫu thuật viên không có kinh nghiệm.

 

Vết rạch ở rốn: Đây là vị trí ít phổ biến nhất và khó thực hiện nhất vì đòi hỏi phải tạo một đường hầm nối từ eo lên đến ngực. Mặc dù không để lại vết sẹo nào quanh khu vực ngực (đây là một lý do mà phụ nữ chọn vết rạch này) nhưng nó lại làm cho việc đặt túi ngực khó khăn hơn, hình dáng bầu ngực không tự nhiên.

  

Theo Vân Khánh

Gia đình & Xã hội