Stress khi mang thai làm thay đổi ADN của trẻ

(Dân trí) - Với các thai phụ, có vô số những nguyên nhân khiến họ lo lắng, từ sức khỏe bản thân, sức khỏe của con, quá trình sinh nở... Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây tiết lộ những bà mẹ từng stress trong quá trình mang thai sẽ có tác động về mặt di truyền đối với thai nhi.

Các nhà khoa học Tabea Send và Stephanie Witt, Khoa sức khỏe tâm thần, trường ĐH Heidelberg (Đức) đã nghiên cứu bà mẹ và 319 trẻ mới sinh tại 3 trung tâm sản khoa.

Mẫu nước bọt của các bà mẹ và mẫu máu cuống rốn của trẻ cũng được mang đi phân tích gen ngay lập tức.

Các nhà nghiên cứu sau đó phỏng vấn các bà mẹ về lối sống, số lần stress mà họ tin là họ đã phải đối mặt và liệu họ có bị bất kỳ rối loạn tâm lý nào không. Họ cũng phỏng vấn cha đứa trẻ.

Kết quả cho thấy con của những bà mẹ từng căng thẳng tâm lý khi mang thai có đoạn telomere ngắn hơn – một chỉ dấu của lão hóa.

Stress khi mang thai làm thay đổi ADN của trẻ - 1

Theo thời gian, ADN của mọi người đều sẽ bị hao mòn. Khi nhiễm sắc thể của chúng ta trở nên mỏng mảnh hơn, chúng sẽ dễ bị phá vỡ, hỏng hóc. Điều này gây ra nếp nhăn, chậm vận động, mất trí nhớ, thị lực kém và một số người còn mắc các bệnh do lão hóa.

Telomere là những chiếc mũ ở cuối nhiễm sắc thể. Chúng bảo vệ ADN khỏi các tổn thương và bị phá hoại do thời gian. Những người có đoạn telomere ngắn hơn sẽ sẽ có xu hướng ADN dễ vỡ hơn và vì thế sẽ già “nhanh hơn” so với những người cùng tuổi nhưng có đoạn telomere dài hơn.

Và do telomere ngắn lại theo tuổi tác nên các nhà nghiên cứu đã đo độ dài của telomere khi sinh - một chỉ báo cho thấy một người sẽ già đi như thế nào.

Đây là một chủ đề nóng vào thời điểm này. Các nhà nghiên cứu đang kêu gọi để chỉ ra điều gì ảnh hưởng đến độ dài của telomere ở trẻ sơ sinh.

Các nghiên cứu trước đó chỉ rõ mối liên quan giữa ảnh hưởng của môi trường như tia tử ngoại và sự căng thẳng của quá trình ôxy hóa.

Các rối loạn tâm lý, bao gồm trầm cảm và các sang chấn sau chấn thương cũng liên quan với sự ngắn lại của telomere.

Rõ ràng con của các bà mẹ bị stress kéo dài trước khi thụ thai không bị ngắn telomeres. Nó chỉ xảy ra khi stress của mẹ tăng cao trong giai đoạn mang thai.

Tuy nhiên, stress khi mang thai không ảnh hưởng đến độ dài của telomere ở người mẹ. Điều này chỉ xảy ra ở những bà mẹ bị rối loạn tâm lý kéo dài.

Telomeres ở các bé gái cũng dài hơn các bé trai.

“Mặc dù ý nghĩa của sự khác biệt trong báo cáo này đối với sức khỏe của trẻ sau này chưa rõ ràng nhưng phát hiện của chúng tôi cho thấy sự cần thiết phải hỗ trợ phụ nữ mang thai bị căng thẳng”, Send nói.

Nhân Hà

Theo DM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm