Sốt co giật ở trẻ: Dễ tái phát

(Dân trí) - Sốt co giật thường xảy ra đối với trẻ bị sốt từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi và nhiều nhất từ 14 - 24 tháng tuổi. 50% sẽ tái phát SCG sau 6 tháng và 90% sẽ tái phát SCG sau 2 năm.

Những biểu hiện của trẻ bị sốt co giật

 

Sốt là một phản ứng của cơ thể đối với tác nhân gây sốt, cũng là triệu chứng thường gặp ở trẻ em, khi nhiệt độ cơ thể lên đến 37oC (cặp nhiệt ở nách) và 37,5oC (nếu cặp nhiệt độ ở hậu môn) thì trẻ được xem là đang bị sốt.

 

Sốt có rất nhiều triệu chứng, thường gặp nhất là do nhiễm trùng tai, mũi, họng, nguyên nhân có thể là do vi trùng hay siêu vi trùng. Sốt được phân 2 loại, sốt cấp tính chỉ dưới 7 ngày, thường sốt cao đột ngột và gặp nhiều ở trẻ nhũ nhi. Những trẻ bị sốt cao khó hạ hay bị sốt kéo dài trên 7 ngày thì được coi là sốt phức tạp, cần đưa đến cơ sở y tế khám để tìm ra nguyên nhân điều trị vì sốt chỉ là 1 triệu chứng của bệnh nào đó.

 

Cũng có thể phân sốt ra thành nhiều bậc như trẻ được xem là sốt nhẹ khi nhiệt độ dưới 38o5, sốt cao khi nhiệt độ trên 39oC và được coi là sốt ác tính khi nhiệt độ trên 42oC.

 

Theo BS Lê Thị Khánh Vân, Trưởng khoa Thần kinh BV ND2, trẻ khi bị sốt có nhiều biểu hiện, qua những triệu chứng này ta có thể phân biệt là trẻ bị sốt đơn giản hay thuộc trường hợp sốt phức tạp.

 

Sốt co giật (SCG) thường xảy ra đối với trẻ bị sốt từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi (trong đó nhiều nhất từ 14 - 24 tháng tuổi) với biểu hiện: có cơn co giật toàn thân kéo dài dưới 15 phút; hoặc những trẻ phát triển bình thường, không bị viêm não hay viêm màng não hay các bệnh lý khác mà có ảnh hưởng đến não.

 

Trẻ sốt đơn giản (sốt cấp tính) thường có những biểu hiện như quấy khóc, vẻ mặt sững sờ, mắt trợn không nhận biết gì rồi co giật toàn thân. Cơn co giật thường dưới 5 phút, mặt có thể bị tím tái ít. Sau cơn co giật, trẻ thường ngủ và không có cơn co giật nào tái phát trong cùng một đợt bệnh.

 

Đối với trường hợp sốt phức tạp, trẻ bị sốt cao kéo dài, thân tím tái, cơn SCG tái phát trong khoảng 30 phút, có thể gây thành chứng động kinh vì oxy không bơm được lên não.

 

Các trường hợp sốt đơn giản sẽ có nguy cơ tái phát với những trẻ trên 18 tháng tuổi hay trẻ có nhiều cơn co giật trong đợt co giật đầu tiên, hoặc tiền sử gia đình đã có người bị co giật. Trong đó, 50% sẽ tái phát SCG sau 6 tháng và 90% sẽ tái phát SCG sau 2 năm.

 

Đối với các trường hợp sốt phức tạp thì có từ 2 đến 10% trẻ bị động kinh do cơn co giật phức tạp, hay do khởi phát cơn co giật sớm sau sốt hoặc do trong gia đình đã có người bị động kinh.

 

Xử lý khi trẻ bị sốt co giật

 

Khi trẻ bị SCG, thường các bậc cha mẹ ít khi nào có đủ bình tỉnh để thực hiện các hướng dẫn như:

 

- Ghi nhớ thời gian trẻ bị co giật là bao lâu (thường chỉ vào khoảng 1 hay 2 phút);

 

- Nới lỏng quần áo hay cho trẻ mặc thoáng mát để giúp trẻ dễ thở;

 

- Đặt trẻ nằm nơi rộng rãi thoáng khí; có thể cho nằm nghiêng 1 bên (nếu được), tránh xa các vật sắc nhọn.

 

- Gọi thêm người giúp đỡ trước khi tiến hành các bước xử lý trẻ bị SCG.

 

Để trẻ không bị SCG, các bậc phụ huynh cần tiến hành việc làm mát cơ thể trẻ bằng việc lau toàn thân bằng nước ấm hay ủ khăn ấm ở các vùng trán, nách, háng, lưng, đùi và thay đổi khăn liên tục trong khoảng 15 - 20 phút, xối nước ấm lên đỉnh đầu cũng là 1 phương pháp để hạ sốt.

 

Kế đến, hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt (nên sử dụng loại thuốc hạ sốt đơn thuần, có thể dùng thuốc uống hay thuốc nhét hậu môn đều có tác dụng như nhau. Tuy nhiên nếu trẻ sốt kèm tiêu chảy thì không dùng thuốc nhét hậu môn). Sau đó đưa trẻ đên cơ sở y tế gần nhất để các BS tiên lượng nguyên nhân trẻ bị SCG và đưa ra phương cách điểu trị.

 

Cho trẻ uống nhiều nước, uống nhiều lần mỗi lần uống một chút. Nếu có cho trẻ ăn thì nên chọn thức ăn lỏng, dễ tiêu.

 

Những điều không nên làm khi trẻ bị SCG:

 

- Không nên hốt hoảng, cần giữ sự bình tĩnh vì hầu hết các cơn co giật đều không nguy hiểm đến tính mạng.

 

- Không di chuyển trẻ đang bị co giật đến nơi khác vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ mà nên đặt trẻ nằm xuống, giúp ôxy dễ bơm lên não, giảm cơn co giật hay trấn tĩnh lại sớm hơn.

 

-Không nên đè trẻ xuống (để kiềm chế cơn co giật của trẻ) hay cố nhét bất cứ vật gì vào miệng trẻ hoặc cố gắng nạy răng trẻ vì có thể gây chấn thương hoặc làm trẻ bị gãy răng.

 

- Không cố gắng đánh thức trẻ đang ngủ hay có vẻ lú lẫn sau cơn co giật.

 

- Không dùng nước lạnh để lau mát (mà làm bằng nước ấm) vì nước lạnh chỉ làm mát bên ngoài nhưng nhiệt bên trong cơ thể trẻ vẫn không giảm.

 

- Không để trẻ một mình hay tụ tập quá đông người quanh bệnh nhân và nên gọi thêm người giúp đỡ.

 

Ngọc Thanh