Sỏi thận: uống nước hay tán sỏi?
Sỏi thận xuất phát từ thận, nó được hình thành từ chính các chất đào thải trong nước tiểu. Lúc đầu viên sỏi có kích thước nhỏ, nó có thể nằm lại ở thận hoặc di chuyển xuống dọc theo đường niệu và sẽ tích tụ thêm theo thời gian. Khi kích thước viên sỏi tiếp tục tăng lên, nó có thể vướng lại ở bất kỳ vị trí nào trên đường đi của nó và làm bạn đau.
Do đó, về mặt lý thuyết, những viên sỏi có kích thước nhỏ hơn 5mm có khả năng tự theo nước tiểu thoát ra ngoài. Viên sỏi từ 7mm trở lên khả năng tự tiểu ra rất thấp. Những viên sỏi lớn này gây cho bạn những cơn đau (đôi khi rất dữ dội) ở vùng hông lưng hai bên, tiểu gắt, có thể kèm theo sốt, nhiễm trùng.
Nếu viên sỏi nằm ở thận, kích thước lớn, gây ảnh hưởng đến thận như: ứ nước, giãn thận bác sĩ sẽ dùng máy tán bằng sóng để làm viên sỏi vỡ thành những mảnh sỏi nhỏ và bạn có thể tự tiểu ra ngoài, phương pháp này gọi là tán sỏi ngoài cơ thể. Máy này không hề làm hại thận của bạn.
Nếu viên sỏi di chuyển xuống vị trí thấp hơn thì bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ nhỏ vào đường tiểu của bạn tìm viên sỏi, tán vỡ nó ra và gắp những mảnh nhỏ ra ngoài, phương pháp này gọi là nội soi tán sỏi ngược dòng.
Với những viên sỏi nhỏ hơn 5mm bạn nên uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội là tốt nhất) để có thể tiểu ra sỏi. Việc uống nhiều nước cũng giúp phòng bệnh, mỗi ngày nên uống hơn 2 lít nước, nếu thời tiết nắng nóng hoặc bạn làm việc trong môi trường nóng bức thì uống nhiều nước hơn nữa. Mục đích của việc uống nhiều nước là gây tình trạng lợi niệu đẩy viên sỏi ra ngoài, đồng thời tạo cho đường tiểu thông suốt, các chất đào thải không bị lắng đọng tạo sỏi.
Ngoài ra bạn có thể sử dụng thuốc kim tiền thảo có tính chất gây lợi niệu, khi uống thuốc này bạn nên uống nhiều nước. Uống kim tiền thảo kéo dài không hại gì và còn có tác dụng phòng bệnh rất hiệu quả.
Khi tiểu ra sỏi, bạn nên đem viên sỏi đến phòng xét nghiệm để phân chất sẽ biết được bị sỏi loại nào, từ đó biết những thức ăn và biện pháp phòng ngừa hiệu quả.