1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Sơ cứu không kịp thời: Hậu quả khôn lường!

(Dân trí) - Sơ cứu tại chỗ là vấn đề cực kỳ qua trọng khi có tai nạn xảy ra. Có rất nhiều trường hợp không được sơ cứu phù hợp, đúng cách trước khi chuyển đến các cơ sở y tế, dù là tai nạn nhỏ đã để lại những hậu quả nặng nề.

Mang tật suốt đời vì thiếu hiểu biết

 

Đó là trường hợp Nguyễn Văn L. (xóm 8, Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh). Anh bị ngã từ trên cao xuống, bị gãy cột sống. Thay vì đưa anh đến bệnh viện ngay, người nhà anh lại  mời thầy lang đến bốc thuốc, đắp các loại thuốc tự pha chế.

 

Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh tình của anh ngày càng nặng thêm. Hậu quả là anh L. được chuyển đến bệnh viện Việt Đức trong tình trạng bị liệt nửa người. Bác sĩ điều trị cho biết, do không được sơ cứu đúng cách, thầy lang không có chuyên môn, lấy dây cao su buộc chằng lưng bệnh nhân nên máu không lưu thông được. Thêm nữa, người nhà lại không thuê xe chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân mà lại vận chuyển bằng taxi khiến xương sống bị rạn thêm. Đây là trường hợp tai nạn nặng, nhưng nếu được xử trí đúng cách, kịp thời, chữa trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

 

Hay như anh N.V.N. (25 tuổi) vừa được mổ. 12 ngày trước đó, do sơ xuất khi dựng xe máy, chân chống xe đã đâm thẳng vào bàn chân anh N.V.N. gây tổn thương. Người nhà đưa anh đến sơ cứu và điều trị tại một phòng khám tư nhân nhưng tiền mất mà tật vẫn mang. Chân anh bị nhiễm trùng nặng, phải đưa đến mổ cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức và điều trị bằng kháng sinh liều cao. Với trường hợp này, nếu được điều trị đúng cách ngay từ đầu thì chỉ sau 7 ngày sẽ khỏi, và bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng kháng sinh thông thường.

 

Bác sĩ Trí Lễ, bệnh viện Xanh pôn cho biết, nhiều bệnh nhân viêm ruột thừa nhưng không biết, thấy lẩm nhẩm đau bụng, tự mua thuốc điều trị. Bệnh có thể đỡ trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó ruột thừa sẽ mưng mủ, biến chứng, phải cứu chữa rất vất vả và tốn kém.

 

Ông Trần Văn Nam, giám đốc Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 thành phố cho rằng: Ngay ở Hà Nội, nhiều trường hợp tai nạn đáng lẽ cần đến sự hỗ trợ của 115 thì người nhà bệnh nhân lại vác xốc bệnh nhân lên tắc-xi, xe máy nên càng thêm nguy kịch, xương đã gãy càng gãy thêm. Ông Nam khuyến cáo, hiện nay Trung tâm cấp cứu 115 đáp ứng 95% nhu cầu cấp cứu trong nội thành. Vì vậy khi có sự cố liên quan đến sức khoẻ, hay tai nạn thương tích, hãy gọi 115 để được tư vấn, vận chuyển kịp thời.

 

Cần có hệ thống cấp cứu thống nhất

 

Việc xây dựng một hệ thống cấp cứu thống nhất từ tuyến trung ương đến các địa phương là hết sức cần thiết. Đây sẽ là một lực lượng y tế có vai trò mũi nhọn, rất gần người bệnh, giúp người bệnh trong tình trạng cấp cứu nhận được các hỗ trợ y tế cần thiết và sớm hơn. Điều đó sẽ làm tăng khả năng và hiệu quả cứu chữa và mang lại nhiều cơ hội tốt hơn cho người bệnh. Đồng thời, trong trường hợp nếu phải chuyển lên tuyến trên, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ chăm sóc trong suốt quãng đường vận chuyển, bảo đảm an toàn hơn.

 

Ngay như việc phòng chống tai nạn thương tích, cho đến nay, nước ta vẫn chưa có hệ thống cung cấp thông tin cho cộng đồng về các vấn đề liên quan cũng như cách xử trí ban đầu, vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế.

 

Chính vì thế, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa triển khai dự án: "Nâng cao năng lực điều phối thông tin cộng đồng về vận chuyển cấp cứu và chăm sóc chấn thương" sẽ xây dựng thí điểm hệ thống dịch vụ thông tin tư vấn tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế. 4 bệnh viện trung ương, 7 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội và 4 bệnh viện thuộc Sở Y tế Thừa Thiên Huế sẽ tham gia dự án từ nay đến tháng 6/2008.

 

Mục tiêu quan trọng nhất của dự án là người dân sẽ được nâng cao nhận thức về phòng chống, xử trí thương tích tại chỗ và vận chuyển cấp cứu bệnh nhân thông qua hệ thống điện thoại, tờ rơi truyền thông. Các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân cũng sẽ được  thông báo trước để sẵn sàng chuẩn bị cho việc cấp cứu. Nhờ đó,  người dân được chăm sóc tốt hơn khi xảy ra thương tích và tỷ lệ tử vong chắc chắn cũng sẽ giảm đáng kể.   

 

Phạm Thanh - Hải Lý

Dòng sự kiện: Kinh nghiệm - Bí quyết