1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Silicon giả chất làm đầy: Chị em tiền mất, tật mang

Filler (chất làm đầy da) khi được tiêm vào dưới da thực chất sẽ tự tiêu huỷ đi nhưng nhiều cơ sở tiêm filler không rõ nguồn gốc hoặc thực chất là silicon đã bị cấm sử dụng từ lâu gây hậu quả nặng nề cho nhiều khách hàng.

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện chia sẻ của người chuyển giới nữ Linda (tên thật là Mai Kim Trí) kể về tình trạng 70% da mặt bị biến dạng sau khi lấy silicon ra khỏi vùng da mặt.

Trước đó, Linda chia sẻ từng tiêm filler (chất làm đầy) để duy trì và cải thiện nét thanh xuân. Sau đó Linda phát hiện filler cô tiêm vào da mặt thực chất chỉ là silicon dạng lỏng, sẽ gây nhiều biến chứng về sau nên quyết định lấy ra. Tuy nhiên, Linda lại bị nhiễm trùng và bên trong vết thương ứ dịch sưng phù, biến dạng khuôn măt sau khi lấy silicon ra.

Linda bị biến dạng mặt khi lấy silicon ra khỏi mặt. Ảnh: FB
Linda bị biến dạng mặt khi lấy silicon ra khỏi mặt. Ảnh: FB

Trường hợp của Linda không phải là ngoại lệ, cách đây không lâu, một bạn nữ tên TCN, ngụ quận 9 đăng chia sẻ trên diễn đàn làm đẹp lớn về hiện tượng môi bị vón cục sưng đau, sờ vào thấy cứng sau khi được một người không có bằng cấp chuyên về thẩm mỹ tiêm chất làm đầy. N. chia sẻ bị người ở spa này chích hai mấy mũi filler, khiến môi sưng vều lên, chỉ mất 2, 3 triệu nhưng được bảo hành chích đến khi nào ... thấy ưng.

Môi chị N. sưng vều và nổi rõ cục u sau khi tiêm filler không rõ nguồn gốc. Ảnh: FB
Môi chị N. sưng vều và nổi rõ cục u sau khi tiêm filler không rõ nguồn gốc. Ảnh: FB

Hay mặc dù đã rất xinh đẹp, bạn TTV. (ngụ Hà Nội) đã đi nâng mũi, tiêm cằm V-line, môi với hi vọng các nét sẽ hài hòa hơn như mũi thật cao, môi thật dày, cằm thật dài...Tuy nhiên, thay vì dùng filler chuẩn thì chị bị tiêm silicon vào môi. Lo lắng cho sức khỏe nên V. đã chấp nhận đau đơn để lấy hết silicon ra.

Bạn TTV chịu bao đau đớn khi lấy silicon ra khỏi mặt vì sợ những biến chứng khủng khiếp của nó. Ảnh: FB
Bạn TTV chịu bao đau đớn khi lấy silicon ra khỏi mặt vì sợ những biến chứng khủng khiếp của nó. Ảnh: FB

Theo GS-TS-BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy, BV Chợ Rẫy thường tiếp nhận những trường hợp tiêm chất filler không rõ nguồn gốc hoặc kỹ thuật tiêm có vấn đề nên bị hoại tử da, bắt buộc phải rạch da xử lý để lại sẹo mất thẩm mỹ.

Filler, hợp chất cấu tạo từ axit hyaluronic hiện có rất nhiều loại, trung bình một sản phẩm được phân phối của Mỹ có chứng nhận FDA và cho phép của Bộ Y tế, được bảo hành trung bình đã có giá năm triệu/1cc, chưa kể tiền công của bác sĩ. Hiện nhiều spa, thẩm mỹ viện nhận tiêm filler chỉ có 2, 3 triệu chắc chắn là trôi nổi, không phải filler chất lượng hoặc là silicon nhưng được tư vấn mượt mà là mỡ nhân tạo vì người dân rất dị ứng với silicon, một chất đã bị cấm sử dụng từ lâu gây nhiều biến chứng như gây biến dạng vùng da bị tiêm.

Thường nếu thật sự là filler thì sẽ tự tiêu huỷ đi sau 6 tháng đến 2 năm tuỳ theo loại filler. BS Hùng cho biết kỹ thuật chích filler không hề đơn giản mà đó phải là bác sĩ phải có giấy phép hành nghề và được đào tạo về kỹ thuật để biết chỗ nào là mạch máu, thần kinh mà tránh chích vào đó. BS Hùng lo ngại hiện tại nhiều người không có trình độ, kiến thức về y tế vẫn nhận chích bừa khiến khách hàng lãnh đủ, tiền mất tật mang. Theo BS Hùng, kể cả bác sĩ da liễu không học về thẩm mỹ cũng không được tiêm filler, botox.

Hiện khách hàng tiêm filler mũi rất phổ biến vì dễ làm. BS Hùng kể tiếp nhận những trường hợp khách hàng sẵn tiện đi làm tóc được nhân viên tư vấn chích filler nâng mũi luôn thì làm sao đáp ứng được kỹ thuật, phòng vô trùng. Sau 24-48 tiếng, mũi khách xuất hiện tình trạng ửng đỏ là dấu hiệu bị nhiễm trùng, nếu để lâu có thể gây thối cả vùng da.

"Biến chứng khủng khiếp nhất của việc tiêm silicon là gây thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi gây hôn mê, tử vong. Nếu đã tiêm silicon vào cơ thể thì không thể nạo được mà phải xử lý cắt bỏ silicon và cả mô lành xung quanh, gây nên tình trạng lồi lõm, phải tái tạo mô lại hay dùng túi độn đối với vùng ngực chẳng hạn. Bác sĩ phải tư vấn về tình trạng này cho khách cho họ quyết định. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể tư vấn cho khách tạm thời chung sống hoà bình với silicon. Ngoài ra, do vùng da mặt có nhiều mạch máu và thần kinh nên không thể lấy ra hết silicon được. Khi muốn cắt bỏ silicon, mọi người nên tìm đến cơ sở có uy tín chứ không phải chỗ nào cũng làm được", BS Hùng nói.

Biến chứng cấp tính của việc tiêm filler không đúng là tiêm vào mạch máu gây đau, chất filler đi sâu hơn nữa làm cho mờ mắt, mù mắt, hoại tử da một vùng. Chẳng hạn tiêm filler vùng mũi sẽ gây thuyên tắc mạch máu, hoại tử da vùng cánh mũi, sống mũi, trường hợp nặng hơn có thể gây tắc mạch, khiến bệnh nhân rơi vào hôn mê. Mạch máu chi phối cánh mũi, thân mũi thường rất nhỏ, nếu bị chất làm đầy chui vào phải cắt đi, chắc chắn để lại sẹo mất thẫm mỹ.

Theo Hoàng Lan

Pháp luật TPHCM