Sẽ xử phạt nghiêm việc lựa chọn giới tính
(Dân trí) - Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tỷ số giới tính chênh lệch mạnh ở nhóm người giàu với tỉ lệ 112,9 bé trai/100 bé gái. Trong khi ở nhóm nghèo nhất (20% dân số), tỷ số giới tính khi sinh ở mức 105,2 trẻ trai/100 trẻ gái.
Chênh lệch giới cao ở nhóm người giàu
Ông Tân cũng cho rằng, so với nhiều nước trong khu vực, tình mạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh và rất khó dự báo xu hướng này bởi chính sự gia tăng mạnh đó cũng như các “công nghệ” lựa chọn giới tính khi sinh tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, tỷ số giới tính khi sinh chênh lệch cao ở nhóm gia đình có điều kiện kinh tế xã hội cao. Trong khi ở nhóm nghèo nhất (chiếm khoảng 20% dân số) tỷ số giới tính khi sinh ở mức bình thường 105,2 trẻ trai/100 trẻ gái thì ở nhóm trung bình, nhóm giàu và nhóm giàu nhất tình trạng chênh lệch giới rất nặng nề. Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh ở nhóm giàu nhất là 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái. Còn ở nhóm giàu nhất, tỉ lệ này lên tới 111,7 trẻ trai/100 trẻ gái. Đặc biệt ở lần sinh thứ 3, mất cân bằng giới ở nhóm giàu nhất lên đến 132,9 trẻ trai/100 trẻ gái.
Cũng một báo cáo nữa cho thấy, càng ở nhóm người giàu càng có điều kiện lựa chọn các phương pháp xác định giới tính thai từ thời kỳ chuẩn bị mang thai (chế độ ăn uống, siêu âm ngày rụng trứng), đến thụ tinh nhân tạo, lọc rửa tinh trùng, siêu âm chẩn đoán giới tính thai từ sớm… để nếu con trai thì giữ lại, thai gái thì xin bỏ vì lý do kế hoạch hóa gia đình.
Những phương pháp được các bà mẹ sử dụng rất phổ biến hiện nay với mong muốn sinh con theo ý muốn là áp dụng theo chế độ ăn uống, siêu âm ngày rụng trứng, siêu âm để biết giới tính thai…
Tại Hội thảo này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ những lo ngại về tình trạng mất cân bằng giới tính tại Việt Nam. Tỷ lệ chênh lệch giới ngày có xu hướng tăng cao. Năm 1979, tỷ số giới tính khi sinh là 105 bé trai/100 bé gái thì năm 1989tăng lên 106 bé trai/100 bé gái, đến năm 2010 là 111 bé trai/gái. Với đà tăng như thế này, dự báo đến năm 2020 tỷ lệ này sẽ là 115 bé trai/100 bé gái. Như vậy, số lượng nam nhiều hơn nữ từ 2,3 đến 4,3 triệu người. Điều này sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề dân sinh, xã hội khác.
Phó thủ tướng hy vọng qua hội thảo này, với sự đóng góp ý kiến của các nhà chuyên môn từ nhiều quốc gia sẽ giúp Việt Nam định hướng lại chính sách về phát triển gia đình và xây dựng một hệ thống chăm sóc y tế và xã hội hiệu quả hơn để dần ổn định tình trạng mất cân bằng giới tại Việt Nam.
Cần chế tài xử phạt nặng hơn
“Dù pháp lệnh dân số đã có quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tuy nhiên việc thực hiện các quy định này chưa nghiêm. Rất nhiều người đã lách luật để lựa chọn giới tính thai và phá thai khi xác định thai nhi là nữ. Chính vì thế, chúng tôi đang soạn thảo để sửa đổi chế tài xử phạt nặng hơn với những vi phạm này”, ông Tân khẳng định.
Ông Tân cũng dẫn chứng thêm, Hàn Quốc là một trong số ít nước thành công trong việc giảm tỷ lệ giới tính khi sinh và để có được thành công này, họ cũng mất đến 10 năm.
Đạt được thành công này là do chế tài của họ rất nghiêm khắc. “Năm 1996 sau khi Seoul có 8 bác sĩ bị kỷ luật vì tiết lộ giới cho thai phụ trước sinh thì ngay năm sau, tình trạng chênh lệch giới tính của Hàn Quốc đã giảm rõ rệt từ 117 bé trai/100 bé gái giảm xuống chỉ còn 113 bé trai/100 bé gái. Điều này cho thấy, luật nghiêm rõ ràng đã có tác động. Chúng tôi hi vọng, khi sửa đổi chế tài nặng hơn với những vi phạm này, cộng với việc tuyên truyền để người dân giảm bớt tư tưởng trọng nam khinh nữ, thích con trai hơn con gái, giảm bớt áp lực của những gia đình trẻ chỉ có ít con mà lại muốn con trai... thì tình trạng chênh lệch giới tính ở VN sẽ giảm trong tương lai”, ông Tân lạc quan.
Hồng Hải